Tự hào khi ý tưởng của người Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng ở nước ngoài

Không ngừng học tập trau dồi kinh nghiệm và liên tục sáng tạo, cải tiến là những bí quyết để chị Nguyễn Hồng Diên (Công ty TNHH Canon Việt Nam) và đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc, đưa ra nhiều sáng kiến, trong đó, có sáng kiến làm lợi cho Công ty khoảng 60 tỷ đồng.

Cải tiến không ngừng

Gặp chị Nguyễn Hồng Diên tại lễ tôn vinh điển hình xuất sắc tiêu biểu của Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức mới đây, chúng tôi thấy rõ được tinh thần nhiệt huyết, hăng say của chị trong lao động sản xuất.

Vóc dáng nhỏ bé, ít ai biết chị và các đồng nghiệp của mình sở hữu thành tích sáng kiến đáng nể. Để có được kết quả đó, 6 năm gắn bó với công việc, chị Diên cho biết, bản thân rất tâm đắc với thuật ngữ “kaizen- không ngừng cải tiến” của công ty, mỗi người sẽ không bằng lòng với cái hiện tại để tiếp tục sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hoàn thiện hơn.

Sáng kiến “Cuộc cách mạng cải tiến phương thức vận chuyển - Hiện thực hóa phương thức vận chuyển tối thiểu” của chị Diên đã làm lợi rất lớn cho Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Theo đó, hằng năm, Công ty đều đề ra chính sách, mục tiêu, dựa trên đó các bộ phận, phòng ban nghiên cứu đưa ra các phương án, kế hoạch cải tiến, phương thức thực hiện theo tuần, theo tháng, theo quý và các chỉ số cần đạt được để có được kết quả tốt nhất trong năm.

Việc cải tiến này được triển khai từ Ban chấp hành Công đoàn nên đoàn viên, người lao động lại càng hăng say tham gia từ các tổ sản xuất đến các bộ phận dù là trực tiếp hay gián tiếp. Các cấp quản lý của các phòng ban phát động các phong trào thi đua tạo được không khí thi đua sôi nổi, người lao động tích cực lao động, sáng tạo, nâng cao trình độ tay nghề, cải tiến từng công đoạn giúp tăng năng suất lao động, hiệu suất làm việc.

Bên cạnh đó, để khuyến khích công nhân lao động, Công đoàn Công ty và Ban Giám đốc triển khai nhiều biện pháp, xây dựng cơ chế khen thưởng trong phòng, bộ phận, nhà máy và tập đoàn theo tháng, quý, năm. Từ đó thúc đẩy hơn nữa tinh thần sáng tạo của mỗi công nhân.

“Khi làm việc, chúng tôi luôn tự đặt câu hỏi là làm thế nào để có những hệ thống tự động vận chuyển không chỉ giảm được sức người, nguồnlực mà còn có sự đảm bảo và tính ổn định, hơn hết là sự an toàn trong quá trình vận hành máy móc”, chị Diên nói.

Chính vì tinh thần đó, hằng năm chị Diên và đồng nghiệp trong phòng, ban của mình đều có những sáng kiến sáng tạo. Nổi bật là có sáng kiến “Cuộc cách mạng cải tiến phương thức vận chuyển - Hiện thực hóa phương thức vận chuyển tối thiểu” đã làm lợi rất lớn cho Công ty TNHH Canon Việt Nam, được vinh danh là 1 trong 3 ý tưởng xuất sắc nhất của Công ty năm 2022.

Sáng kiến “tiền tỷ”

Chia sẻ về sáng kiến, chị Diên cho biết đó là ý tưởng của một tập thể với sự đồng lòng lớn. Đại diện cho các nhóm cải tiến được nhận khen thưởng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chị Diên bày tỏ, trong quá trình quan sát thực tế hằng ngày, chị nhận thấy công việc vận chuyển dưới xưởng khá là tiêu hao sức lao động. Trong khi đó, một số thao tác có thể cải tiến tự động hóa được để tránh lãng phí và hỗ trợ cho người lao động.

Chị Nguyễn Hồng Diên tại lễ tôn vinh điển hình xuất sắc tiêu biểu của Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.

"Hàng ngày, công nhân tại Công ty phải di chuyển, đưa khối lượng hộp linh kiện tương đối nhiều. Có những ngày lên đến hàng ngàn hộp. Với sứ mệnh là hỗ trợ cho người công nhân và mong muốn người lao động sau mỗi ngày làm việc vẫn duy trì được nguồn năng lượng tích cực, nụ cười trên môi khi quay trở lại với gia đình, chúng tôi đã nghiên cứu giải pháp tạo ra hệ thống tự động hóa. Đội ngũ kỹ thuật của chính Công ty Canon đã thi công hệ thống tín hiệu gọi hàng; thiết kế hệ thống vận chuyển tự động hóa; lắp đặt hệ thống tại xưởng làm việc; nâng cấp hệ thống để vận hành dễ dàng hơn, linh hoạt hơn”, chị Diên cho biết.

Trong vòng 4 tháng, từ ý tưởng, sáng kiến “Cuộc cách mạng cải tiến phương thức vận chuyển - Hiện thực hóa phương thức vận chuyển tối thiểu” đã được đưa vào vận hành. Từ việc chỉ hoàn toàn dùng sức người, thì nay, việc di chuyển hàng hóa qua các điểm đã hoàn toàn được 100% tự động hóa. Hệ thống đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2021 ở 1 nhà máy, sau đó phát triển mạnh mẽ nhất vào năm 2022 và năm 2023, cả 3 nhà máy của Canon đều vận hành thiết bị này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chị Diên cũng cho hay, quá trình thực hiện thực tế cũng gặp một số khó khăn, bởi đặc thù những hộp linh kiện có nhiều loại và kích cỡ khác nhau, do đó, đội ngũ kỹ thuật phải suy nghĩ phương thức phù hợp và tối ưu nhất về mặt chi phí, tính ổn định khi thiết kế hệ thống tự động lắp ráp. Từ việc thiết kế dây chuyền cho một loại thiết bị máy in sẽ mở rộng ra các đời máy và dòng máy khác nhau.

Tại thời điểm mới vận hành, sáng kiến “Cuộc cách mạng cải tiến phương thức vận chuyển - Hiện thực hóa phương thức vận chuyển tối thiểu” đã làm lợi lớn cho Công ty, giảm được 95 nhân sự và tiết kiệm được 60 tỷ đồng. Đến nay, chị Diên cho biết, theo ước tính đã giảm được hơn 100 nhân sự và làm lợi khoảng 80 tỷ đồng. Không những vậy, niềm tự hào được nhân lên gấp bội khi ý tưởng của người Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng ở nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản.

“Tôi rất vui mừng vì những sáng kiến đã mang lại hiệu quả, giúp các đồng nghiệp của mình có môi trường làm việc thoải mái hơn. Đặc biệt là đóng góp giá trị xây dựng Công ty của mình ngày càng phát triển. Trong tương lai, tôi vẫn sẽ phát huy tinh thần không ngừng cải tiến của Công ty và phong trào sáng kiến sáng tạo của tổ chức Công đoàn”, chị Diên bộc bạch.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-hao-khi-y-tuong-cua-nguoi-viet-nam-duoc-chuyen-giao-va-ung-dung-o-nuoc-ngoai-161480.html