Trách nhiệm với Thủ đô

70 năm sau Ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, xứng đáng là 'trái tim' của cả nước. Đơn cử, chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế cũng thấy được vai trò, vị trí quan trọng của Thủ đô: Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng theo số liệu thống kê, nhiều năm qua, Hà Nội vẫn đóng góp trung bình tới 16% GDP; 18,5% thu ngân sách; 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Thật tự hào khi vượt qua hậu quả, sự tàn phá của chiến tranh và bao khó khăn, gian khó, diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, truyền thống văn hiến nghìn năm của vùng đất “địa linh nhân kiệt” không ngừng được vun đắp, củng cố, phát huy. Thủ đô Hà Nội đã thực sự trở thành nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội tọa lạc tại 28A Điện Biên Phủ (Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh minh họa: DƯƠNG THẢO

Cột cờ Hà Nội tọa lạc tại 28A Điện Biên Phủ (Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh minh họa: DƯƠNG THẢO

Thế nhưng, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Thủ đô Hà Nội cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề đặt ra, những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Đó là làm sao để tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, nhất là kinh tế xanh, kinh tế số, khẳng định vị trí “đầu tàu”, là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đóng góp ngày càng nhiều hơn vào nền kinh tế đất nước; là “bài toán” xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; là việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển hiệu quả công nghiệp văn hóa mà Thủ đô là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về vấn đề này...

Cùng với đó là những vấn đề dân sinh bức xúc như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp... Đó là những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để bảo đảm kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, giải quyết hiệu quả những vấn đề nêu trên thì lẽ đương nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội. Nhưng không dừng lại ở đó, Thủ đô đâu phải của riêng người dân Hà Nội. Thủ đô là của cả nước, tiêu biểu, đại diện cho hình ảnh đất nước. “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” thì cả nước cũng vì Hà Nội, cùng Hà Nội. Bởi thế, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là tình cảm, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Với ý nghĩa đó, mỗi người, tùy theo chức trách, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện, hãy cống hiến, đóng góp xây dựng Thủ đô bằng những việc làm thiết thực như chấp hành nghiêm luật pháp, tích cực góp ý, hiến kế, nỗ lực làm việc hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn quan tâm, ủng hộ Đảng bộ, chính quyền thành phố... Trước mắt, cần tập trung để sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà bứt phá...

Càng yêu Hà Nội, người dân cả nước lại càng kỳ vọng Thủ đô tiếp tục có những bước phát triển mới. Đó là “mệnh lệnh” để Hà Nội nỗ lực vượt khó và cũng là động lực để mỗi người hành động vì sự phát triển của Thủ đô!

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-voi-thu-do-797947