Tiếp tục gỡ khó để đồng hành cùng doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp cho rằng: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc giảm lãi suất để góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và góp phần bình ổn thị trường bất động sản.

Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt, triển khai nhiều dự án NƠXH dành cho công nhân, qua đó tăng sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người lao động. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

“Đã đến lúc mức lãi suất trung hạn cần được giảm xuống dưới 10%. Các nước phát triển hiện áp dụng lãi suất trung hạn từ 3 - 5%. Lãi suất trung hạn cao, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì bất động sản. Lãi suất trung hạn tại Việt Nam nên xoay quanh ở mức 8,5%, cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á”, ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp, hiện chủ đầu tư được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án, do tình trạng pháp lý khó khăn thì những quy định về tiếp cận vốn sẽ là tạo khó khăn trong công tác tiếp cận vốn vay ngân hàng thực hiện dự án theo quy định.

“Trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư, có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản... tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân”, ông Nguyễn Đình Trung kiến nghị.

Liên quan đến thủ tục về lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp chia sẻ: Để có một dự án có giấy phép, đến lúc thi công sẽ tạo ra vô vàn công ăn việc làm, các đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan. Trong khi thực tiễn hiện nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan. Nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ mong mỏi các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.

Hoặc như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được NHNN triển khai được xem là "phao cứu sinh" để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, đề án chỉ có ý nghĩa thực sự khi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói tín dụng này.

Hiện, lãi suất để vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Đây là gói tín dụng hết sức được mong chờ. Tuy nhiên, sau nhiều lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỷ lệ giải ngân vẫn còn chậm. Hiện nay mới có 23 dự án đủ điều kiện vay.

Mặc dù lãi suất của gói tín dụng này theo quy định thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%, nhưng theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện với người đủ điều kiện mua NƠXH, mức lãi suất vẫn đang cao. Rõ ràng, Việt Nam cần giải pháp để tiếp tục hạ lãi suất vay, đặc biệt cho người mua. Như vậy, mới có thể giải quyết được nhu cầu khó khăn về nhà ở của người dân.

Hiện, NHNN đang điều tiết lãi suất xuống quanh mức 6%, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng mức lãi suất phù hợp nên tối đa bằng mức lãi suất hiện nay huy động của người dân khoảng 6%. Thu nhập của người dân Việt Nam nói chung so với giá bất động sản thấp hơn 20 lần và những người đủ điều kiện mua NƠXH còn thấp hơn nhiều.

"Các nước trên thế giới đều mua trả góp 20 - 30 năm, không có chuyện như Việt Nam trong 5 năm có thể trả được. Đó chỉ mới giải quyết được ban đầu. Còn thực tế các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore đều phải trả góp 20 - 30 năm", ông Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) dẫn chứng: Chẳng hạn, căn hộ NƠXH có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng, Với lãi suất 8,2%/năm, chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.

Còn với mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lại khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư khi hiện nay, lãi suất vay rất cao, có thể lên đến 12 - 13%/năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xác định định kỳ 6 tháng một lần; theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 làm cho tâm lý của người vay thêm “bất an”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung, Bộ KH&ĐT nhận diện và tập trung 2 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư của các dự án và quá trình thực hiện dự án.

Thứ nhất là nhóm vấn đề về pháp lý. Đối với những vướng mắc liên quan đến thủ tục chấp thuận trong đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận điều chỉnh trong đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư… Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để sửa đổi trong Luật Đấu thầu; đồng thời tham gia dự thảo về Luật Nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo các quy định của Luật.

Nhiều vấn đề đã được xử lý, ví dụ quy định về điều chỉnh hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong trường hợp điều chỉnh đầu tư đã sửa đổi trong Luật Đấu thầu hay các quy định liên quan đến đấu giá đấu thầu trong dự thảo Luật Đất đai, quy định về chuyển nhượng, điều kiện để chuyển nhượng…

Ngoài ra, Bộ cũng chủ động rà soát Nghị định 31 về các điều kiện thi hành của Luật Đầu tư để kiến nghị. Qua rà soát sơ bộ, vướng mắc chủ yếu của các dự án liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư, hình thức đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Những vấn đề này đã được Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành phối hợp sửa đổi trong dự thảo Luật đất đai, Luật Nhà ở.

“Vướng mắc chủ yếu ở các địa phương, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận theo pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở… được xây dựng trước thời điểm Luật Đầu tư được thi hành. Nhiều dự án đã chuyển tiếp trong thời gian dài, quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi trong từng thời kỳ, vì vậy phát sinh nhiều vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất tại các địa phương và cần phải có hướng dẫn thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ xây dựng các hướng dẫn chung cho tất cả các địa phương để xử lý thống nhất. Dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn này trong tháng 8/2023”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, hiện có tâm lý e dè, đùn đẩy, né tránh, chờ phải có hướng dẫn hoặc chỉ đạo của Trung ương thì địa phương mới thực hiện hoặc chờ các văn bản khẳng định thẩm quyền của địa phương thì mới triển khai hoặc cho rằng, cơ quan quản lý địa phương thực hiện khác nhau nên chờ cơ quan Trung ương có ý kiến cho chắc. Đây là hiện tượng khá phổ biến và gây khó khăn, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Hiện nay, Việt Nam đang sửa 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. Điều này tạo tiền đề hình thành thị trường bất động sản.

Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT kiến nghị: Chính phủ cần hướng dẫn và giải thích theo thẩm quyền về công tác quy hoạch chi tiết khi chưa có hoặc đang điều chỉnh quy hoạch phân khu quy hoạch chung theo quy định, nhất là ở khu đô thị mới và các khu đô thị đang điều chỉnh quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản lý lĩnh vực bất động sản; đẩy nhanh việc hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; tăng cường tính chủ động của các địa phương, tránh tâm lý e ngại.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tiep-tuc-go-kho-de-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-20230805155749274.htm