THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiều 08/02, tại Trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường trực Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và công tác phối hợp giữa 2 cơ quan. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì cuộc làm việc.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tăng cường phối hợp công tác, đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang rất tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự kiến vào tháng 3 tới đây sẽ gửi Hồ sơ tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, bên cạnh dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), trong năm 2023, Ủy ban Xã hội còn được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ủy ban cũng tham gia 02 Đoàn giám sát tối cao về: “Việc quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về nông thôn mới và về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm Ủy ban đều chủ trì thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện Bình đẳng giới năm 2022-2023;... Về cơ bản các nội dung trên đều liên quan tới người lao động, do đó vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc tham gia ý kiến về các nội dung này là rất quan trọng.

Nhấn mạnh trong năm 2023 và năm 2024, Ủy ban Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có rất nhiều việc phải phối hợp thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cuộc làm việc này được tổ chức nhằm nhìn nhận, chia sẻ, góp ý thẳng thắn để việc phối hợp công tác giữa 02 cơ quan, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật ngày càng tốt hơn.

Báo cáo về kết quả thực hiện đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sự cần thiết xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn hiện hành, đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới; yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với cam kết cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại 13 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương. Trên cơ sở đó, cùng với kế thừa hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (giai đoạn 2018 – 2020), nghiên cứu bổ sung, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã giao Ban Chính sách – Pháp luật tham mưu hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu 3 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật này gồm: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.

Lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chi tiết, toàn diện, chất lượng cao

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá cao sự cầu thị và phối hợp tích cực của Tổng Liên đoàn Lao động trong thời gian qua, đặc biệt là tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu, từng bước hoàn thiện hồ sơ cho các dự án Luật. Những thông tin, ý kiến từ các hội thảo chuyên gia do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức là hết sức quan trọng, phục vụ cho quá trình thẩm tra luật của Ủy ban Xã hội.

Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện trên tinh thần bám sát nội dung, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc

Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh Tổng Liên đoàn lao động đã có cố gắng để khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành trước thời hạn đặt ra, đồng thời lưu ý Tổng Liên đoàn cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục mở rộng lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động, các đối tượng chịu tác động để đảm bảo hoàn thiện dự án Luật đảm bảo đầy đủ, chi tiết, toàn diện, đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.

Đi vào nội dung cụ thể trong dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần tham khảo thêm ý kiến của người sử dụng lao động để có cơ sở vững chắc đưa ra những quy định phù hợp; đảm bảo vị trí, chức năng, vai trò của Công đoàn tương thích với các quy định trong Hiến pháp năm 2013; làm rõ cơ chế bảo vệ nhóm lao động phi chính thức; rà soát kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tương thích với các Công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, đây là dự án Luật khó, đối tượng chịu tác động rộng, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan, bộ ngành, tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những bước chuẩn bị chủ động, tích cực, nhất là trong việc lấy ý kiến người lao động, đối tượng chịu tác động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục triển khai công việc một cách khẩn trương, trách nhiệm để sớm thành lập ban soạn thảo, tiến tới trình dự án Luật trong thời gian sớm nhất.

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan để làm rõ các nội dung cơ bản, các vấn đề chuyên môn đặc thù trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng như các dự án Luật khác như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)… Theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Công đoàn còn có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát các luật khác có liên quan. Các quy định liên quan đến Luật Công đoàn còn được quy định ở luật nào khác, nên cần phải nghiên cứu, rà soát kỹ và phải có định hướng sửa đổi, như việc liên quan đến tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở đã được quy định trong Bộ luật Lao động...

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan thảo luận sâu đối với từng chính sách trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, nhằm bảo đảm đạt được sự đồng thuận cao về quan điểm xây dựng chính sách giữa cơ quan chủ trì xây dựng và cơ quan chủ trì thẩm tra; hạn chế tối đa tình trạng các chính sách của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lại khác với các chính sách khi đề xuất để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc tích cực xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này trong bối cảnh tình hình mới, rất khó khăn, vừa phải quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ, cơ chế tài chính, vai trò của Công đoàn, một tổ chức được định danh trong Hiến pháp trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Hồ sơ đề xuất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thiếu ý kiến góp ý của các Bộ: Tài chính, Ngoại giao và Tư pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường đôn đốc trong việc lấy ý kiến của các Bộ này để bảo đảm Hồ sơ khi gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đầy đủ và trước ngày 01/3/2023 theo quy định.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị cần tham khảo thêm ý kiến của người sử dụng lao động để có cơ sở vững chắc đưa ra những quy định phù hợp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị cần tham khảo thêm ý kiến của người sử dụng lao động để có cơ sở vững chắc đưa ra những quy định phù hợp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục triển khai công việc một cách khẩn trương, trách nhiệm để sớm thành lập ban soạn thảo, tiến tới trình dự án Luật trong thời gian sớm nhất

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục triển khai công việc một cách khẩn trương, trách nhiệm để sớm thành lập ban soạn thảo, tiến tới trình dự án Luật trong thời gian sớm nhất

Các đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan để làm rõ các nội dung cơ bản, các vấn đề chuyên môn đặc thù trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng như các dự án Luật khác như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)…

Các đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan để làm rõ các nội dung cơ bản, các vấn đề chuyên môn đặc thù trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng như các dự án Luật khác như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)…

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Ủy ban Xã hội quan tâm, nghiên cứu để sớm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội Khóa XIV về việc giảm giờ làm chính thức cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần; có chiến lược hướng tới lương đủ sống để nâng cao đời sống cho người lao động

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Ủy ban Xã hội quan tâm, nghiên cứu để sớm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội Khóa XIV về việc giảm giờ làm chính thức cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần; có chiến lược hướng tới lương đủ sống để nâng cao đời sống cho người lao động

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Hồ sơ đề xuất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 cơ bản đầy đủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường đôn đốc trong việc lấy ý kiến của các Bộ để bảo đảm Hồ sơ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng theo quy định.

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Hồ sơ đề xuất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 cơ bản đầy đủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường đôn đốc trong việc lấy ý kiến của các Bộ để bảo đảm Hồ sơ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng theo quy định.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72901