Thấy gì từ việc phụ thuộc nguyên liệu ngoại từ hạt muối đến linh kiện, phụ tùng

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đó không chỉ là câu chuyện cũ của những mặt hàng như điện tử, ô tô, dệt may… mà với cả những ngành mà Việt Nam vốn có lợi thế về nguyên liệu như hạt điều, sản xuất muối.

Vừa qua, dư luận quan tâm tới câu chuyện đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn TP.Hà Nội nói rằng, ông cảm thấy đau lòng khi mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu muối, “một đất nước biển thế này, nắng thế này, kinh nghiệm nghề muối lâu năm” mà lại phụ thuộc, câu chuyện một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Vì sao phải phụ thuộc nhập khẩu?

Giải thích với đại biểu Trí về câu hỏi làm sao phải nhập khẩu muối, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nghe có vẻ nghịch lý nhưng cũng giống câu chuyện nghịch lý Việt Nam sản xuất than mà vẫn nhập than, xuất khẩu gạo mà vẫn nhập gạo từ Ấn Độ và Campuchia. Với ngành muối, Việt Nam nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp.

Hạt điều sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 20-30% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành muối để liên kết với nông dân ở vùng sản xuất muối trọng điểm, đồng thời nghiên cứu giải pháp để muối mà diêm dân trong nước làm ra đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm… từ đó có giá trị hơn.

Như vậy, rõ ràng là muối sản xuất trong nước không đủ tiêu chuẩn để làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu cũng là chuyện "cực chẳng đã".

Hay đối với ngành điều, cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang, đoàn Bình Phước cho biết, trong nhiều năm qua, ngành điều luôn đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, tuy nhiên thời gian gần đây, vị trí nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới của Việt Nam đang bị lung lay vì điều nhân nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều thô từ các quốc gia Tây Phi, tuy nhiên hiện các nước này đang hạn chế xuất khẩu điều thô, tăng cường chế biến và xuất khẩu điều nhân. Trong khi đó, hạt điều sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 20-30% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

“Có thời điểm, chúng ta mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và Việt Nam đứng đầu thế giới về điều. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, các nước châu Phi đã được EU hỗ trợ cả ngành công nghiệp chế biến điều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tương tự, tình trạng phụ thuộc nguyên liệu cũng xảy ra với ngành dệt may, da giày, ô tô, điện tử… Đơn cử với ngành ô tô, Bộ Công Thương cho biết, vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

Nguyên nhân một phần là do chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Cần cơ chế hỗ trợ đột phá

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu thực trạng về phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu của nhiều ngành công nghiệp hiện nay với con số 74% hàng xuất khẩu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hầu hết nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp này là nhập khẩu.

“Do vậy, tương tự với ngành điều cũng phải nhập khẩu để duy trì ngành chế biến và giữ thương hiệu, thị trường”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói. Ông đề nghị các địa phương có vùng trồng điều cần quy hoạch lại để có diện tích đủ lớn, áp dụng công nghệ để có chất lượng sản phẩm ổn định cho chế biến, xuất khẩu.

Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến nền công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ nguyên liệu bởi nông dân chưa thể giàu lên vì mặt hàng mà họ sản xuất ra, trong khi nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vẫn dừng ở quy mô nhỏ, sản lượng bé, năng lực kém.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, ông rất bất ngờ khi đến thăm vườn điều và biết được thu nhập của nông dân chỉ 40 triệu đồng/năm, thấp hơn cả thu nhập của nông dân trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập thấp khiến nhiều người trồng điều chặt bỏ cây, chuyển sang trồng sầu riêng.

Để giữ vị thế của nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng ngành hàng này cần tái cấu trúc, tính toán lại liên kết từ nông dân, doanh nghiệp đến hiệp hội.

Trong khi đó, một doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ từng phàn nàn rằng, khi đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận. Nhiều khi dốc bao tiền của để đầu tư một nhà máy không bằng đầu tư “bất động sản, lướt sóng”. Do vậy, vị này mong muốn chính sách cần tạo sự đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước "lớn lên", thu hút doanh nghiệp rót vốn xây nhà máy, từ đó tạo ra quy mô sản lượng đủ lớn, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Để tháo gỡ “nút thắt” trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2015 về chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công Thương trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cơ quan này đề xuất dùng tiền ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất qua hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp vay trung, dài hạn.

Cụ thể, dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các các ngành như dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô... có thể được hưởng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách trung ương thông qua ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cấp bù là 3% một năm.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung ưu đãi xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, hỗ trợ về đất đai, ưu đãi môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 cũng đặt ra Việt Nam phấn đấu là nước có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nội dung đề án nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sản xuất công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải phấn đấu để xây dựng nền công nghiệp tự chủ và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong toàn ngành.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-viec-phu-thuoc-nguyen-lieu-ngoai-tu-hat-muoi-den-linh-kien-phu-tung-1094714.html