Thả muỗi vằn mang Wolbachia tiêu diệt sốt xuất huyết

Để phòng ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam, sáng 24/3, Viện Pasteur TP.HCM cùng Chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program - WMP) đã tổ chức lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại 2 đô thị khu vực miền Nam là Thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), là hai "điểm nóng" dịch sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

Các cán bộ của Chương trình Muỗi Thế giới chuẩn bị tiến hành phóng thả muỗi vằn mang Wolbachia.

Có mặt tại lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia sáng 24/3, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bên cạnh những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như: nằm màn, vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng, hoặc phun hóa chất diệt muỗi; hiện nay đang có một phương pháp mới, nhiều tiềm năng nhằm kiểm soát và phòng sốt xuất huyết, đó là sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Đây là dự án được Bộ Y tế phê duyệt và do Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Chương trình Muỗi Thế giới và tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam thực hiện.

"Chúng tôi vui mừng khi cộng đồng rất ủng hộ cho việc thả muỗi vằn mang Wolbachia. Có đến 98% người dân đồng thuận khi được hỏi ý kiến về việc thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng ngừa sốt xuất huyết", PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nói.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM (bìa phải) và ông Trần Sỹ Nam – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Dầu Một tham gia thả muỗi vằn mang Wolbachia. Ảnh: K.V

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền và rất phổ biến ở Việt Nam. Đợt bùng phát sốt xuất huyết đầu tiên được ghi nhận vào năm 1963.

Từ năm 1998 đến năm 2010, cả nước đã ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, trong đó khoảng 70% số ca ghi nhận ở khu vực phía Nam. Đồng thời, ước tính hàng năm có hàng trăm ngàn ca không có triệu chứng không được phát hiện, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng như: chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi. Phương pháp Wolbachia của WMP là đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn (Aedes aegypti), tác nhân lây truyền một số loại bệnh như sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya và sốt vàng da.

Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh thông qua các "hộp thả muỗi" được treo trong khu vực dân cư. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi vằn tự nhiên tại địa phương.

"Hộp thả muỗi" được treo trên cây nhà người dân ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: K.V

"Chúng tôi ưu tiên đặt các "hộp thả muỗi" ở khu vực có mật độ dân cư cao và có nguy cơ mắc sốt xuất huyết lớn", anh Lý Huỳnh Kim Khánh - Phó trưởng khoa Côn trùng và động vật y học, Viện Pasteur TP.HCM cho hay.

Theo thời gian, số lượng muỗi vằn mang Wolbachia sẽ tăng dần cho đến khi không cần phải thả thêm và làm giảm khả năng lây lan virus gây bệnh sang người.

Sau 2 tuần, các cán bộ WMP sẽ quay lại điểm thả muỗi để thu thập những lăng quăng/ấu trùng giai đoạn cuối và sau đó áp dụng PCR đối với các mẫu thu được để xác định xem chúng có mang Wolbachia không. Ảnh: K.V

Phương pháp Wolbachia có khả năng tự duy trì. Đây là phương pháp an toàn, có hiệu quả lâu dài trong việc ngăn ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác như Zika, Chikunguyna và sốt da vàng.

Sau buổi thả muỗi hôm nay tại TP Thủ Dầu Một, WMP dự kiến sẽ thực hiện đợt thả muỗi tiếp theo tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tha-muoi-van-mang-wolbachia-tieu-diet-sot-xuat-huyet-169220324000128791.htm