Tất cả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân

2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm thứ hai đất nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhìn lại một năm qua, trong bối cảnh đầy thách thức do dịch bệnh và đòi hỏi ngày càng cao mà thực tiễn cuộc sống đặt ra đối với những lĩnh vực phụ trách, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội NGUYỄN THÚY ANH cho biết, Ủy ban Xã hội đã thể hiện sự linh hoạt và thích ứng trong triển khai nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tất cả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân.

Thay đổi linh hoạt, thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”

2021 là một năm tương đối đặc biệt, đất nước ta kỷ niệm 76 năm độc lập và hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. 2021 cũng là năm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu và giải pháp.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội. Đặc biệt, đại dịch cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mới nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội đã được ban hành để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, đồng thời duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, cùng với hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Xã hội trong năm 2021 đã có những thay đổi linh hoạt để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới” và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của Ủy ban.

Trong hoạt động lập pháp, năm 2021, Ủy ban Xã hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và chủ trì thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ủy ban đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện thẩm tra các dự án luật trong bối cảnh dịch bệnh. Với tinh thần “chuẩn bị từ sớm, từ xa”, Ủy ban chủ động triển khai nhiều hoạt động phục vụ thẩm tra với cách thức tổ chức có sự thay đổi linh hoạt như: tổ chức tọa đàm chuyên gia quy mô nhỏ theo từng chuyên đề để bảo đảm nội dung chuyên môn, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch; tổ chức lấy ý kiến bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; gửi hồ sơ dự án Luật đến các Đoàn ĐBQH để lấy ý kiến và gửi kết quả về Ủy ban tổng hợp… Với những nỗ lực như vậy, các báo cáo thẩm tra, tham gia thẩm tra và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật do Ủy ban chuẩn bị đều bảo đảm tiến độ, chất lượng và được đánh giá cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu cấp bách của vấn đề, Ủy ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV gấp rút chỉ trong một ngày, vẫn tuân thủ đầy đủ quy trình theo quy định để kịp trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, đáp ứng nguyện vọng và sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân, cử tri cả nước. Đây là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Trong hoạt động giám sát, thực hiện quy định của pháp luật, trong năm 2021, Ủy ban đã tổ chức 5 phiên họp toàn thể để thẩm tra một số Báo cáo của Chính phủ; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về những nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, việc tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban đã có sự điều chỉnh chuyển sang hình thức trực tuyến (4/5 Phiên họp toàn thể Ủy ban diễn ra dưới hình thức trực tuyến).

Để khắc phục việc không thể tổ chức các đoàn công tác thực hiện giám sát, khảo sát trực tiếp tại các địa phương do dịch bệnh, Ủy ban đã phối hợp với các thành viên Ủy ban tiến hành giám sát, khảo sát tại địa phương nơi mình ứng cử theo đề cương giám sát, khảo sát chuyên đề đã thông qua và gửi báo cáo kết quả về Thường trực Ủy ban để tổng hợp báo cáo chung.

“Làm đến khi hết việc”

2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại của Ủy ban tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Các nội dung tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn do Ủy ban phụ trách; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, quy chế đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện và bảo đảm tính liên tục, tiếp nối giữa hai nhiệm kỳ. Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Nhóm Nữ ĐBQH trong triển khai các hoạt động trong khuôn khổ AIPA-42, AIPACODD-4. Ủy ban cũng đã phát huy được sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo do Ủy ban tổ chức và phối hợp tổ chức. Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia cho các hoạt động nghiên cứu, phục vụ hoạt động chuyên môn của Ủy ban một cách thiết thực và hiệu quả...

Hoạt động Ủy ban cũng có sự chủ động, linh hoạt để đáp ứng với những nhiệm vụ phát sinh. Ví dụ, được phân công là cơ quan thường trực Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, Thường trực Ủy ban Xã hội có những hoạt động tham mưu cho Tổ Công tác làm việc thường xuyên, liên tục với phương châm đồng hành, tham gia từ sớm, từ xa cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hàng tuần, Tổ Công tác tổ chức các cuộc họp chuyên đề nhằm trao đổi, thảo luận, xây dựng các báo cáo chuyên đề chuyên sâu về từng nội dung cụ thể. Tổ Công tác còn xây dựng Báo cáo tổng hợp hàng tuần về tình hình phòng, chống Covid-19 để kịp thời cập nhật thông tin, diễn biến, xu hướng cũng như những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong quá trình phòng, chống Covid-19 trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH trên cả nước. Đến nay, đã xây dựng và hoàn thành 24 Báo cáo chuyên đề và Báo cáo tổng hợp gửi tới Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn, nhằm đưa Nghị quyết 30 đi vào đời sống.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến đời sống xã hội, Thường trực Ủy ban đã ban hành Kế hoạch Tổ chức hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và huy động được hơn 14,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho một số địa phương (thông qua các đoàn ĐBQH) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Vượt lên những khó khăn, thách thức của làn sóng Covid-19, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo các chương trình, kế hoạch công tác năm 2021 đã đề ra, đóng góp vào thành công hoạt động của Quốc hội nói riêng và mục tiêu chung của đất nước: vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhìn lại khối lượng công việc lớn, gấp gáp, nhiều áp lực được triển khai trong năm qua, có thể khẳng định, Ủy ban Xã hội luôn nỗ lực hết mình, “làm đến khi hết việc”, không quản ngày đêm nhằm góp sức mình vào công cuộc phục vụ Nhân dân với mục tiêu “ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân” để cùng với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành với cả hệ thống chính trị vững vàng vượt qua khó khăn và tiến lên phía trước.

Nhật An ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tat-ca-vi-loi-ich-cua-dat-nuoc-cua-nhan-dan-xqgcnoiyz5-78989