Tác động lan tỏa của đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế chưa rõ ràng

Hoạt động xuất khẩu và đầu tư công chững lại, trong khi đó kỳ vọng về tác động lan tỏa của hoạt động đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế hiện chưa có triển vọng rõ ràng.

Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công và xuất khẩu chững lại do sự mờ dần của hiệu ứng mức nền thấp.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30.4.2024 đạt 115.906,9 tỉ đồng, tương đương 16,4% tổng kế hoạch. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao hơn so với cùng kỳ, dù vậy, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công đã thu hẹp đáng kể, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2024, thấp hơn mức tăng 22,7% trong quý 1/2024.

Báo cáo chi tiết cho thấy việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chỉ tích cực ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, như Bộ GTVT (15.189,9 tỉ đồng - 25,6% kế hoạch), Bộ Quốc phòng (3.963,9 tỉ đồng - 20,4% kế hoạch), Bộ NN-PTNT (2.809,4 tỉ đồng - 28,3% kế hoạch), tỉnh Long An (3.212,8 tỉ đồng - 38,3% kế hoạch), tỉnh Thanh Hóa (3.045 tỉ đồng - 25,8% kế hoạch)...

Các địa phương được kỳ vọng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và tạo tác động lan tỏa như Hà Nội hay TP.HCM vẫn chưa có tiến triển thực sự.

Tính đến ngày 30.4.2024, quy mô vốn đầu tư công tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt đạt 10.323,3 tỉ đồng - 12,7% kế hoạch và 7.948,7 tỉ đồng - 10 % kế hoạch. Ngoài ra, dự án đường vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM chỉ mới hoàn thành được 7,9% kế hoạch và 3,3% kế hoạch, tính đến ngày 31.3.2024.

Ngoài ra, tăng trưởng hoạt động xuất khẩu cũng suy giảm trong tháng 4.2024, chỉ đạt 10,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 13,0% trong tháng trước. Việc xuất khẩu tăng trưởng chậm lại cũng thể hiện qua mức giảm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước.

Tác động lan tỏa của đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế chưa rõ ràng

Lũy kế 4 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 123,6 tỉ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 16,8% trong quý 1/2024.

“Hoạt động xuất khẩu và đầu tư công chững lại là phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, kỳ vọng về tác động lan tỏa của hoạt động đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế hiện chưa có triển vọng rõ ràng”, VDSC nêu.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 4.2024 của Tổng cục Thống kê chỉ ra sự cải thiện nhẹ trong hoạt động sản xuất công nghiệp và chi tiêu của nền kinh tế. Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4.2024 đạt 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,8% trong tháng trước.

Tính chung 4 tháng năm 2024, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,9% trong quý 1/2024. Tương tự, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng cải thiện từ mức 49,9 điểm trong tháng trước lên 50,3 điểm.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn số lượng đơn hàng xuất khẩu mới hàm ý nhu cầu trong nước tích cực hơn so với bên ngoài.

Tại báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 2024-2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục hoàn toàn ngành chế biến xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Fed (Mỹ) và các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế phát triển trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ cản trở định hướng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công vẫn là những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng.

ADB khuyến nghị để duy trì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định.

ADB cho rằng các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài.

“Nhiều dự án đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án. Dự án có tính sẵn sàng cao để đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn”, ADB nêu.

Khuyến nghị chính sách thúc đẩy đầu tư, cần tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng nêu rằng chất lượng và hiệu quả đầu tư công đóng vai trò then chốt. Trọng tâm là cơ sở hạ tầng, các dự án, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, phát triển nhà ở xã hội và trường học.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát và lãi suất toàn cầu còn cao, tác động đến sức cầu, làm chậm đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư, tiêu dùng và du lịch. Giải ngân đầu tư công chưa đột phá, không đồng đều giữa các địa phương, bộ ngành.

Tuy vậy, ông Lực cho rằng đầu tư công vẫn là động lực quan trọng, dự kiến năm nay cả nước đẩy mạnh giải ngân khoảng gần 700 nghìn tỉ đồng (gồm cả phần kết chuyển), tăng 12% so với năm ngoái.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tac-dong-lan-toa-cua-dau-tu-cong-va-xuat-khau-sang-toan-bo-nen-kinh-te-chua-ro-rang-217027.html