Sửa đổi quy định phù hợp để giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Dự án đã được khởi công vào trung tuần tháng 6/2023, nhưng đến thời điểm này tuyến đường vẫn chưa có mặt bằng thi công, việc giải phóng bàn giao mặt bằng đang gặp một số khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua các huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Bông và M’Đắk nối với thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa có chiều dài gần 118 km, vốn đầu tư hơn 21.900 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được chia làm 3 gói thi công; trong đó tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư 32 km, vốn 5.632 tỷ đồng (gói số 1); Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư 37,5 km, vốn 9.818 tỷ đồng (số 2); còn lại tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư (số 3). Dù dự án đã được khởi công vào trung tuần tháng 6/2023, nhưng đến thời điểm này tuyến đường vẫn chưa có mặt bằng thi công, việc giải phóng bàn giao mặt bằng đang gặp một số khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ.

Phương tiện máy móc tại Lễ khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn qua huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện M’Đrắk dài 17 km, do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Diện tích đất phải giải phóng mặt bằng toàn tuyến là 127,1 ha của 143 hộ dân. Trong đó có các loại đất thuộc diện giải tỏa hỗ trợ đền bù gồm đất lấm chiếm trồng cây keo, đất thuộc 3 loại rừng và đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Thảo – phó Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk thông tin, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, hướng tuyến, bãi vật liệu, chất thải, hoàn thành đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính trích lục, công tác kiểm đếm tài sản cây cối hoa màu và triển khai thông báo thu hồi đất đến cá nhân, tổ chức có đất trong vùng dự án. Hiện huyện vẫn chưa bàn giao được bất kỳ diện tích đất thu hồi nào cho các đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Đức Thảo nói về tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án: “Kế hoạch đề ra ngày 30/6 phải bàn giao xong 70% mặt bằng, tuy nhiên đến thời điểm này việc triển khai bàn giao mặt bằng không đạt kế hoạch đề ra. Hiện nay huyện đang tập trung xây dựng phương án, công khai các phương án để thông báo tới các tổ chức, cá nhân có diện tích bị ảnh hưởng để tiến hành bồi thường hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng.”

Ông Trương Thanh Tâm - phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện M’Đrắk cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc qua huyện là do vướng Quyết định 10/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Quyết định này nêu rõ, cây rừng trồng tập trung trên đất lâm nghiệp của người dân buộc phải thu hồi để đấu giá. Việc ban hành áp giá đất đền bù chỉ mới được thực hiện vào ngày 30/6, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định nguồn gốc đất lấn chiếm lâu dài của cá nhân, tổ chức… Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, ông Tâm cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần khẩn trương điều chỉnh các cơ chế sao cho phù hợp nhất.

Ông Tâm nói: “Huyện đã đề xuất tỉnh sửa đổi Quyết định 10 theo hướng sau khi bồi thường hỗ trợ người dân được tận thu sản phẩm cây rừng tập trung tự trồng không qua thu hồi đấu giá. Mức bồi thường hỗ trợ chỉ tính trên chi phí đầu tư tạo rừng, không tính thu nhập dự kiến. Hướng dẫn cụ thể phương pháp, cách thức, xác định thời điểm nguồn gốc quá trình sử dụng đất để làm căn cứ bồi thường cho người dân, làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng.”

Người dân ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bàn giao giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc qua huyện

Tại huyện Ea Kar, dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua có tổng chiều dài hơn 13,5 km. Tuyến đường này thuộc dự án thành phần số 2 và 3. Diện tích đất giải phóng mặt bằng là 104,4 ha. Đến thời điểm này, công tác kiểm đếm đã đạt 100% kế hoạch, phê duyệt và thu hồi 13 phương án đền bù với 69,2 ha, đã bàn giao mặt bằng được 50,2 ha và đạt 48%, so với kế hoạch vẫn bị chậm tiến độ.

Ông Chu Vĩnh Cường – Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ea Kar kiến nghị: “Thứ nhất, đối với công tác đền bù giải phỏng mặt bằng chúng tôi đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt giá đất mới nhất của hội đồng thẩm định về các điểm được đền bù. Thứ 2, đề nghị tỉnh sớm xem xét cho người dân tận thu cây rừng trồng sau khi nhận bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Vận động người dân sau khi nhận chi trả giải phóng mặt bằng thì sớm bàn giao để trung tâm bàn giao cho chủ đầu tư sớm triển khai dự án.”

Các khó khăn vướng mắc đều có điểm chung là nằm ở Quyết định 10/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc ban hành giá đất bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể xác định thời gian, nguồn gốc sử dụng đất, hỗ trợ cây công nghiệp… Việc sửa đổi quyết định, tháo gỡ các vướng mắc cần được thực hiện sớm, để công tác giải phóng bàn giao mặt bằng dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Tuấn Long/VOV -Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sua-doi-quy-dinh-phu-hop-de-giai-phong-mat-bang-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-post1035918.vov