Startup gian nan sàng lọc trong 'mùa đông' gọi vốn

Thị trường vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) nội địa trong nửa đầu năm khá ảm đạm, không có những thương vụ nổi bật. Khi 'mùa đông' gọi vốn vẫn tiếp diễn, việc startup thuyết phục các quỹ rót vốn không dễ dàng. Và trong bối cảnh khó khăn được dự báo chưa chấm dứt, các startup cũng đang bước vào giai đoạn tự định hình lại mình, tự điều chỉnh để tối ưu hóa các quy trình, chi phí, quản lý, củng cố nguồn lực nhằm đón cơ hội phục hồi trong thời gian tới.

Đằng sau cuộc đua khởi nghiệp theo trào lưu

Viet Valley Ventures là một quỹ đầu tư nội được sáng lập bởi những người đại diện của các startup thời kỳ ban đầu ở Việt Nam. Trong đó có ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch của Clever Group – một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo trực tuyến từng nhiều lần nhận vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài.

Viet Valley Ventures đã đầu tư vào 6 startup công nghệ trong nước, có tiềm năng phát triển, với khoản kinh phí 3-5 tỉ đồng cho mỗi thương vụ. Giám đốc điều hành của quỹ, ông Nguyễn Khánh Trình chia sẻ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được startup phù hợp với tiêu chí của quỹ, bởi hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhưng phần lớn chạy theo phong trào, chất lượng các dự án chưa cao.

Trong cuộc trao đổi với KTSG Online, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA, cũng chia sẻ góc nhìn tương tự như ông Nguyễn Khánh Trình. VIISA đã đầu tư vào 45 startup và giải ngân 100 tỉ vốn đầu tư. Giai đoạn ban đầu, VIISA hướng tới việc đầu tư vào các startup tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia… và sau đó tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, số thương vụ mà quỹ này đầu tư trong 2 năm gần đây giảm đi, đơn cử trong năm 2022 chỉ có 2 thương vũ.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc đầu tư của tập đoàn NextTech, cho biết, Next100 đã đầu tư vào hàng chục startup trong nước với vốn đầu tư thực tế vài triệu đô la Mỹ. Trong hai năm gần đây, số doanh nghiệp mà Next100 rót vốn ít hơn so với thời điểm trước và trong đại dịch Covid-19. Quỹ khó tìm thấy thương vụ phù hợp một phần vì kinh tế đi xuống nên các startup không thực hiện được ý tưởng của mình.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022 Việt Nam xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021. Cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Các startup Việt đã huy động được số vốn đầu tư kỷ lục 1,4 tỉ đô la Mỹ trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu đô la Mỹ và 126 giao dịch vào năm 2019.

Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ 2021, vốn đầu tư vào startup Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo số liệu do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố mới đây, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu đô la Mỹ, giảm 56% so với năm 2021. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, theo một số thống kê, con số này chỉ dao động từ 350-400 triệu đô la Mỹ.

Cuộc sàng lọc đầy thách thức

Năm 2023 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ là quãng thời gian khó khăn với các startup trong nước, không chỉ số lượng tiền đầu tư bị giảm đi, các thương vụ lớn khó được xác lập cũng như điều kiện gọi vốn sẽ khó khăn hơn so với các năm trước.

Cung cấp thông tin cho báo chí, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Do Ventures cho rằng việc kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi những thách thức. Vì vậy, startup cần chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn khó khăn này.

Theo bà Vy, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi đánh giá một công ty. Trước kia, các nhà đầu tư sẽ thường nhìn và đánh giá gắt gao những con số về tăng trưởng của các startup, tức là công ty phải tăng trưởng rất nhanh thì các nhà đầu tư mới quyết định rót vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư sẽ bớt nhìn vào số liệu về tăng trưởng, doanh thu của một startup. Thay vào đó, họ sẽ đánh giá các chỉ số tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Vẫn theo bà Vy, khi tất cả các nhà đầu tư đều không ưu tiên tập trung vào doanh thu nữa, họ sẽ hỏi doanh nghiệp nhiều hơn về chi phí vận hành như thế nào, cơ cấu về mặt chi phí và lợi nhuận trong tương lai ra sao. Những câu hỏi này sẽ giúp các công ty có thể vận hành bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng và hoạt động dài hạn.

Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures cho rằng 2023 là cơ hội để startup Việt điều chỉnh lại hướng đi của mình theo hướng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Thay vì tiêu tốn nhân lực, tài chính để tăng trưởng thần tốc thì các startup có thể quay sang tập trung nhiều hơn nữa vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giai đoạn sắp tới, doanh thu ngắn hạn sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư. Thay vào đó, startup sẽ phải có mô hình hoạt động bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng trong dài hạn. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như chi phí vận hành phải được tối ưu, lợi nhuận bền vững trong tương lai ra sao…

Bà Vy cho rằng việc gọi được vốn ồ ạt như 2021 về lâu dài không phải thực sự chỉ toàn điều tốt cho môi trường khởi nghiệp của Việt Nam. Gọi vốn dễ cũng mang lại nhiều hệ quả tiêu cực. Bởi tiền về càng nhanh, các startup phải tăng trưởng về doanh thu cũng phải càng nhanh. Khi đó nhiều startup sẽ phải chọn cách tăng trưởng không bền vững như chi phần lớn số tiền được đầu tư cho quảng cáo thay vì tập trung vào sản phẩm. Điều này đã khiến nhiều startup phá sản chỉ ít lâu sau khi nhận được đầu tư.

Bà Lê Mỹ Nga, nhà sáng lập kiêm CEO WeAngels Ventures cho biết, việc củng cố năng lực chốt lõi trong nội tại chính là chìa khóa để startup thể hiện và chứng minh tiềm năng của mình với các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay và tương lai.

Việc duy trì tình sáng tạo, linh hoạt và nghiên cứu phát triển liên tục trong doanh nghiệp theo xu thế phát triển của công nghệ và sự thay đổi của thị trường, theo bà Nga là điều cực kì khó. Nhưng đây là tiêu chí mấu chốt để các quỹ đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng dự án.

Theo các chuyên gia, để các nhà đầu tư tìm đến mình, startup trước hết phải thể hiện được mình là nhân tố ưu tú, phải xây dựng được các giá trị nội tại để trở nên khác biệt và duy nhất trên thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Startup phải đặt mục tiêu phát triển công nghệ, giải pháp thông minh giúp giải quyết vấn đề của thị trường toàn cầu hoặc khu vực chứ không chỉ một quốc gia. Giải pháp cần ứng dụng công nghệ đề cao tính đột phá, sáng tạo, mang lại giá trị mới và có khả năng tăng trưởng nhanh là những điểm mà nhà đầu tư quan tâm ở một startup.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-gian-nan-sang-loc-trong-mua-dong-goi-von/