Rời xa năng lượng Nga vẫn là bài toán khó, Hungary thậm chí còn muốn mua thêm, châu Âu có cách gì?
Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu hydrocarbon từ Nga vào năm 2027. Nhưng một số quốc gia ở Trung và Đông Âu đang phải vật lộn để thỏa mãn 'cơn khát' dầu khí.
Bất chấp các lệnh trừng phạt toàn diện của EU đối với Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này vào Ukraine hồi tháng 2/2022, dầu Moscow vẫn tràn vào khối 27 thành viên. Phần lớn số dầu này không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, tính đến giữa tháng 10/2024, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ước tính đã bơm 4,47 tỷ Euro (tương đương 4,85 tỷ USD) mỗi tuần vào nền kinh tế Nga, trong đó 350 triệu Euro đến từ EU.
Lượng khí đốt mua từ Moscow mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức 150 tỷ m3 (bcm) được ghi nhận vào năm 2021 - thời điểm trước chiến dịch quân sự đặc biệt - nhưng bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm 2023.
Gần đây, khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU vào giữa tháng 10/2024, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về sự gia tăng này: "Chúng ta phải luôn cảnh giác để điều này không trở thành xu hướng mang tính cấu trúc".
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên trong khối thậm chí còn không cố gắng hạn chế tình trạng "nghiện" năng lượng Nga.
Khó từ bỏ năng lượng Nga
Ở Trung Âu, nơi phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Moscow, các nước như Áo, Hungary và Slovakia vẫn nhập khoảng 80% lượng khí đốt từ xứ sở bạch dương.
Với mức độ phụ thuộc cao như vậy, chắc chắn đây là nhiệm vụ khó khăn đối với những quốc gia kể trên khi chuyển sang các giải pháp thay thế.
Đối với Czech, quốc gia này đã xoay xở để chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua Hà Lan và Đức. Tuy nhiên, việc "cai nghiện" dầu Nga còn trở nên khó khăn hơn.
Còn tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban dường như càng gia tăng sự phụ thuộc của đất nước vào năng lượng Nga khi Budapest tiết lộ đang thảo luận về việc mua thêm nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto mới đây đã tuyên bố, đất nước "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc dựa vào dầu mỏ của Điện Kremlin.
18 tháng trước, EU đã cấp cho Hungary, Czech và Slovakia quyền miễn trừ tạm thời lệnh cấm vận dầu thô của Moscow. Những nước này có thời gian sắp xếp các phương án thay thế.
Dù vậy, Budapest đã từ chối các lựa chọn đa dạng hóa.
Thách thức mới
Đã xuất hiện thách thức mới với một số quốc gia vẫn đang mua khí đốt Nga.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, tháng 12/2019, Moscow và Kiev đã đồng ý về một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt. Theo thỏa thuận, sẽ có 45 tỷ m3 khí đốt Nga chảy qua Ukraine vào năm 2020 và 40 tỷ m3/năm vào thời điểm từ năm 2021-2024.
Cuối năm nay, thỏa thuận trên sẽ kết thúc. Thỏa thuận này được cho rằng khó có thể gia hạn tiếp và điều đó sẽ ngăn chặn dòng chảy khí đốt Nga tới châu Âu - trực tiếp" tấn công" thị trường khu vực vào thời điểm quan trọng - mùa cần sưởi ấm.
Để giải quyết vấn đề này, các bên liên quan, bao gồm Nga, Ukraine và các quốc gia khác được cho là đang cân nhắc nhiều kịch bản khác nhau giữ cho đường ống dẫn khí nói trên tiếp tục hoạt động.
Các kịch bản đó bao gồm việc Nga có thể bán khí đốt tại biên giới và để khách hàng tự sắp xếp quá cảnh qua Ukraine. Hoặc Azerbaijan có thể đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ yêu cầu sự hợp tác của Nga.
Sự bất ổn về tuyến đường vận chuyển của Kiev đang góp phần gây thêm áp lực lên những quốc gia chưa tìm được nguồn cung thay thế khí đốt Moscow.
Không cần "run rẩy"
Hungary - phần lớn được cung cấp khí đốt từ Nga thông qua đường ống Turk Stream chạy bên dưới Biển Đen - sẽ không có nhiều thay đổi nếu thỏa thuận của Moscow và Kiev kết thúc.
Ngược lại, Slovakia và Áo buộc phải hành động.
Tuy nhiên, không bên nào phải "run rẩy" vào mùa Đông này, dù thỏa thuận kể trên có đi đến hồi kết. Trong trường hợp thiếu hụt khí đốt, hai quốc gia trên có thể khai thác các cơ sở lưu trữ của EU. Phía Brussels cho biết, các cơ sở lưu trữ khí đốt của khối đã được lấp đầy tới 95%.
Song song với đó, Slovakia và Áo cũng có thể sắp xếp nguồn cung thay thế.
Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối 27 thành viên. Trong khi đó, các mạng lưới của EU cũng sẽ cho phép giao LNG của Mỹ và Bắc Phi qua các nhà ga ở Đức, Ba Lan và Italy.
Ông Martin Jirusek, chuyên gia về địa chính trị và an ninh năng lượng tại Đại học Masaryk của Czech nhận định: "Mục tiêu ngăn chặn mọi hoạt động nhập khẩu của Nga là thực tế. Tất cả các quốc gia EU đều có năng lực vật chất để thực hiện điều đó. Có những tuyến đường để đưa dầu và khí đốt không phải của Moscow đến Hungary và Slovakia".
Hiện tại, một gói trừng phạt nhằm vào Nga, tập trung chủ yếu vào năng lượng, đang được triển khai.
Tuy nhiên, bà Simson bày tỏ: "Nếu các quốc gia thành viên muốn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga hoặc ký các thỏa thuận mới với nước này, tôi nói rõ: Đây không phải là điều cần thiết và là một lựa chọn nguy hiểm".