Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vì chất lượng cuộc sống

Tiếp theo Hội thảo 'Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa' tổ chức năm 2022, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vừa qua là một bước phát triển mới về nội dung, gắn phát triển văn hóa với thể thao.

Chuyển hóa hiệu quả, thực chất vào đời sống

Cử tri và Nhân dân địa phương, cơ sở, nhất là những người quan tâm đến hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao theo dõi sát sao,đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan tổ chức, kỳ vọng thành công của Hội thảo Văn hóa năm 2024như tiếng trống giục giã, một tia sáng soi lại quá trình thực hiện các chính sách của Đảng và thể chế nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là ở địa phương, cơ sở cấp huyện, xã thời gian qua. Từ đó, thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế văn hóa, thể thao, chuyển hóa hiệu quả, thực chất vào đời sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân từ đô thị đến nông thôn, hải đảo như phát biểu chỉ đạo và tổng kết hội thảo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội).

Lễ hội Trà - Tơ lụa Lâm Đồng được tổ chức tại Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Vân Hậu

Lễ hội Trà - Tơ lụa Lâm Đồng được tổ chức tại Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Vân Hậu

Nhìn lại sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao những năm thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến sau năm 2000 đến nay, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hóa phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao cả nước nói chung và cơ sở nói riêng. Trong đó, nhiều Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong giai đoạn từ 1995 đến năm 2010 nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; triển khai các đề án, chương trình, chiến lược phát triểnvăn hóa nông thôn,chương trình phát triển thể dục thể thao cấp xã, quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở...

Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 của Đảng (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” và “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020” trong tổng thể phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và thể dục thể thao…

Những chính sách trên đã đi vào đời sống, thiết thực chăm lo, giáo dục thể chất cho Nhân dân, tạo điều kiện cho mỗi người dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, tăng cường sức khỏe, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao sức khỏe cả về trí tuệ lẫn thể chất, tinh thần, nhân cách và lối sống; cả về tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống - nhân tố quan trọng bổ sung cho lực lượng sản xuất, ổn định và phát triển xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số địa phương thực hiện không đạt mục tiêu Chương trình phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 là: 70% số làng, thôn, ấp, bản, buôn và 80% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tổ chức hoạt động có hiệu quả; trên 80% xã, phường, thị trấn xây dựng được các địa điểm tập luyện thể dục thể thao theo tinh thần Quyết định số 271/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương chạy theo bệnh thành tích, thống kê hội trường xã, phường, phòng hội họp của thôn, tổ dân phố gọi là thiết chế văn hóa, thể thao để đạt tiêu chí xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị, thôn, tổ dân phố văn hóa. Có nơi quản lý không chặt chẽ diện tích đất đai dành cho thiết chế thể dục - thể thao hoặc tự ý chuyển công năng sân vận động thành quảng trường, công viên…

Cử tri và Nhân dân cho rằng, những hạn chế, bất cập nói trên cần phải được đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian tới, để thực hiện chủ trương, chính sách xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa, thể thao của Nhân dân; cử tri và Nhân dân ở cơ sở cấp xã, huyện kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện thể chế, quy hoạch, bố trí đất đai hợp lý, thuận lợi và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, kể cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chuyên môn cũng như nội dung, kế hoạch, mô hình hoạt động phù hợp, hiệu qua. Bảo đảm đáp ứng công bằng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất đối với từng vùng, miền, khu vực.

Mặt khác, cần có chính sách riêng khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao. Vì đây là lĩnh vực đầu tư chưa thật hấp dẫn, có tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác, nhưng là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, hình thành môi trường văn hóa, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống và lành mạnh hóa lối sống mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên.

ThS.Nguyễn Vân Hậu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-v%C3%AC-chat-luong-cuoc-song-i372343/