Nông sản Việt tấp nập sang Trung Quốc... đón Tết

Trong những ngày gần Tết Nguyên đán 2024, hàng trăm xe chở nông sản Việt Nam đang tấp nập đổ về cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường được kỳ vọng sẽ đem về nhiều tỷ USD cho nông sản Việt trong năm 2024 này.

Thống kê của Bộ NN&PTNT trong tháng 1/2024 cho thấy, giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9% cùng kỳ năm trước.

‘Bội thu’ ở thị trường tỷ dân

Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết ngày 30/1/2024 vừa qua có 1.400 xe hàng hóa đi qua trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số phương tiện có hàng xuất khẩu là 480 xe (gồm 305 xe hoa quả, 175 xe hàng khác).

Trong những ngày gần Tết Nguyên đán 2024, hàng trăm xe chở nông sản Việt Nam đang tấp nập đổ về cửa khẩu phía Bắc.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế này, số lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu tăng do vào thời điểm này các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hoa quả tươi và nông sản để phục vụ Tết Nguyên đán ở thị trường Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do xung đột Biển Đỏ, xuất khẩu bằng đường biển phải đi vòng, kéo dài thêm khoảng nửa tháng nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc có thể bị trễ và tăng chi phí. Vì vậy, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng để gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả.

Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả của Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách địa lý gần, vùng trồng rau quả Việt Nam rất tiềm năng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tạo đột phá xuất khẩu sang Trung Quốc khi tháng 1 năm nay có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tiết lộ có hàng trăm khách hàng từ Trung Quốc xếp hàng đợi mua sầu riêng của doanh nghiệp nay. Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến thu hoạch ít nhất 300 - 400ha sầu riêng, tức diện tích cho thu hoạch cao gấp 10-13 lần năm 2023. Vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho hay, doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn của đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc.

Doanh nghiệp cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần tại đây. Mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng khoảng 20% so với năm 2023. Theo ông Tùng, nếu xuất khẩu với số lượng lớn lợi nhuận thu được sẽ cao, thậm chí, nông dân Việt sẽ giàu lên và hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường này.

Gỡ nút thắt để nhiều mặt hàng đi chính ngạch

Với Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đại Dương, thị trường Trung Quốc chiếm 90% doanh thu của doanh nghiệp. Đầu tháng 12/2023, doanh nghiệp này vừa tiếp một tập đoàn Trung Quốc sang đàm phán ký kết hợp đồng.

Ông Vũ Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty dự báo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ khá thuận lợi khi họ mở cửa gần như tất cả các sản phẩm gạo của Việt Nam như hạt dài, tròn, tấm. Ngay trong quý I/2024, doanh nghiệp này dự định xuất khẩu khoảng 50.000 tấn sang thị trường Trung Quốc.

Tuy vậy, ông Đồng cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải thận trọng đàm phán hợp đồng về giá trước khi chốt số lượng, bởi trong bối cảnh giá gạo cao kỷ lục cũng đem tới cho doanh nghiệp những rủi ro nhất định. “Giả dụ, nếu thị trường Trung Quốc đột ngột đóng cửa hoặc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, thì doanh nghiệp có thể thua lỗ do biến động giá mạnh, nếu không đánh giá đúng thị trường”, ông cảnh báo.

Trên cơ sở kết quả, thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam cuối năm 2023. Đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng cường hợp tác, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy nông sản giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin sau cuộc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía bạn đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

“Năm 2023 chứng kiến sức tăng trưởng ngoạn mục của sầu riêng, sản phẩm mới được xuất khẩu chính ngạch hơn một năm. Hiện nay, sầu riêng là trái cây có giá trị xuất khẩu, đạt hơn 2 tỷ USD/năm. Do đó, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những sản phẩm sắp được Trung Quốc mở cửa”, ông Nam nhìn nhận.

Với gia cầm, Thứ trưởng NN&PTNT cho hay, Việt Nam có trên 500 triệu con, đã xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. Nếu thâm nhập được thị trường tỷ dân của Trung Quốc, đó sẽ là cơ sở đề ngành chăn nuôi phát huy hơn nữa quy mô nuôi trang trại, xây dựng các vùng an toàn sinh học.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng lưu ý Việt Nam nên quan tâm hơn nữa đến chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm, tránh tình trạng một số lô hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng. Để đứng vững và khẳng định được thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng cả 3 yếu tố: chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nong-san-viet-tap-nap-sang-trung-quoc-don-tet-1098132.html