Người đưa tranh gốm Việt ra thế giới

Đồng Nai có truyền thống làm gốm sứ lâu đời với Trường Dạy nghề Biên Hòa, dạy nghề gốm đầu tiên ở Đông Dương cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi.

Trong đó, họa sĩ Mai Nhơn (SN 1960, ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) với nhiều tác phẩm tranh gốm Mosaic (ghép gốm vào tranh), được Nhà nước chọn làm quà tặng lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ trong nền kinh tế APEC, góp phần đưa gốm Việt ra thế giới.

Họa sĩ Mai Nhơn bên các tác phẩm

Nâng tầm gốm Việt

Một ngày cuối tháng 5-2023, chúng tôi tìm gặp họa sĩ Mai Nhơn để được nghe ông kể về quá trình tìm tòi và sáng tạo trong mỹ thuật, góp phần đưa gốm Việt đến với bạn bè quốc tế. Theo họa sĩ Mai Nhơn, trên thế giới, tranh gốm Mosaic được biết đến từ khá lâu, được dùng trang trí trong các công trình như nhà thờ, cung điện, lăng mộ... nhưng ở trong nước tranh gốm nội thất rất ít người làm.

Tranh gốm Mosaic xuất hiện ở kiến trúc cố đô Huế, con đường gốm sứ tại Hà Nội là những công trình lớn, nổi tiếng của việc ứng dụng kỹ thuật Mosaic. Biên Hòa vốn là vùng đất có nghề gốm phát triển, có bề dày truyền thống nên họa sĩ Mai Nhơn muốn đưa gốm vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên nhất, không chỉ là một sự sáng tạo trong mỹ thuật mà qua đó góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.

Dấu ấn lớn nhất trong việc đưa tranh gốm Việt đến với bạn bè quốc tế là tại Hội nghị APEC Việt Nam 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó chọn tranh gốm Mosaic do họa sĩ Mai Nhơn cùng nhóm nghệ nhân Đồng Nai thực hiện, tặng lãnh đạo 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trong nền kinh tế APEC. Tác phẩm là tranh chân dung lãnh đạo các quốc gia tham dự APEC và nhiều lãnh đạo nổi tiếng khác. Các tác phẩm là sự kết tinh tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của người Việt, thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nước trên thế giới. Và ẩn sau những tranh gốm Việt là những giọt mồ hôi vất vả, miệt mài sáng tạo của người họa sĩ tài ba để cho ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Họa sĩ Mai Nhơn chia sẻ, tranh gốm có chất liệu từ đất, phải nung qua lửa, thể hiện sự nhiệt huyết, ấm áp tụ lại trong màu men, rồi qua bàn tay nhào nặn cùng cái tình, sự trân trọng của người họa sĩ, nghệ nhân mới tạo nên tác phẩm gây xúc động lòng người. Khi Chính phủ Việt Nam dùng tranh gốm Đồng Nai tặng lãnh đạo chính phủ các nước là phần nào đó đang trao sự chân tình của người Việt đến bạn bè quốc tế.

Một đời đeo đuổi

Gia đình họa sĩ Mai Nhơn có 3 đời sống ở đất Biên Hòa, có cha là họa sĩ Mai Nhu nên ông được thừa hưởng gen di truyền, từ thuở bé đã đam mê vẽ. Năm 1978, khi học xong cấp 3, cậu học trò Mai Nhơn đứng trước lựa chọn thi vào 3 ngành toán học, kiến trúc, mỹ thuật và ông chọn thi vào khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về Biên Hòa làm việc tại Liên hiệp Xuất nhập khẩu Đồng Nai. Do làm ở phòng kế hoạch nên ông thường đi kiểm hàng, thường đến các lò gốm ở TP Biên Hòa tìm hiểu công đoạn pha men, tráng men và màu men của gốm. Khi bắt gặp gốm sứ có màu sơn dầu, ông bị lôi cuốn và nghĩ, pha màu bằng nước sẽ không có màu đẹp mà phải qua lửa. Lúc này, ông bắt đầu nhen nhóm ý tưởng dùng gốm để ghép vào tranh.

Năm 2005, khi làm Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Đồng Nai, họa sĩ Mai Nhơn đã bàn với bạn bè mang gốm về làm tranh. Sau đó, một ê kíp được lập nên, ngoài họa sĩ Mai Nhơn có các kỹ sư sinh - hóa cùng một số nghệ nhân chuyên làm gốm. Ông bỏ tiền thuê mặt bằng gần đường ray xe lửa thuộc phường Tân Tiến (TP Biên Hòa) làm tranh gốm. Ban đầu, anh em trong ê kíp không biết phải bắt đầu từ đâu, sản xuất như thế nào do thời điểm đó các làng nghề gốm Bát Tràng, làng gốm miền Trung và miền Nam chưa có cơ sở làm tranh gốm Mosaic nên phải mày mò đọc sách, tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc làm tranh gốm.

Họa sĩ Mai Nhơn chú tâm học làm tranh gốm qua những lần xem tranh gốm ở các nước tiên tiến trong những chuyến công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông chỉ thấy thành phẩm, còn quy trình sản xuất thì hầu như không được biết, trong khi ê kíp cần một công đoạn thuần thục từ làm men gốm cho đến sản phẩm cuối cùng. Khó nhất trong những cái khó là pha men vì yêu cầu lượng màu quá nhiều, nếu màu xanh thì phải có xanh nhạt, xanh ngả vàng, xanh dương để màu sắc gốm phong phú và đa dạng. Họa sĩ Mai Nhơn nhớ lại: “Tôi phải thuê người chạy quanh lò gốm tìm gom gốm vụn, đặt hàng để làm màu men cần thiết. Nhưng chỉ được một thời gian thì kế hoạch phá sản, vì không ai cung cấp được màu men theo yêu cầu”.

Không có màu men ưa thích nên sau giờ làm việc, họa sĩ Mai Nhơn dành thời gian vào pha men, cứ pha men, tiên lượng, làm đi làm lại, có khi pha sai lại có màu đẹp, được màu men đẹp thì ghi lại công thức để nhớ, vận dụng. Từ một màu ra 1.000-2.000 màu và mất hơn 10 năm ròng mới có cho ra 3.000 màu khác nhau để sản xuất tranh gốm Mosaic. Các màu phết lên gốm đều có màu xám nhưng khi nung qua lửa sẽ cho ra màu xanh, đỏ, tím, vàng... Công đoạn kế tiếp là bẻ ra từng mảnh gốm có màu phù hợp đắp lên tranh đã vẽ sẵn, cho ra sản phẩm tranh gốm Mosaic hoàn thiện.

Tranh gốm Mosaic không phải sản phẩm hàng hóa thông thường, chi phí vận chuyển cao hơn so với các loại tranh khác nên thường làm theo đơn đặt hàng. Với họa sĩ Mai Nhơn, vẽ là một nhu cầu không thể thiếu, làm tranh gốm là tâm huyết cả cuộc đời. Họa sĩ Mai Nhơn đã cho ra đời vài trăm bức tranh gốm Mosaic và gửi đi nhiều triển lãm nghệ thuật, được giới họa sĩ trong nước và quốc tế đánh giá cao về sự sáng tạo. Người mua tranh chủ yếu từ TP Hà Nội và các tỉnh, thành để treo trong phòng khách gia đình. Nhiều bức tranh tĩnh vật, voi rừng châu Phi, tôn giáo được khách hàng từ Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi và một số nhà thờ ở châu Âu đặt mua với giá cao; có bức làm trong 4-5 ngày, có bức phải làm cả năm mới xong.

Sau Hội nghị APEC Việt Nam 2017, tranh gốm Mosaic của họa sĩ Mai Nhơn được biết đến nhiều hơn. Có một số bạn trẻ ở miền Bắc, TPHCM đã tìm tòi, học hỏi cách làm và mở cơ sở dạy làm tranh gốm Mosaic cho các em thiếu nhi. Còn họa sĩ Mai Nhơn thì nuôi ý tưởng mở một cơ sở dạy làm tranh gốm Mosaic tại TP Biên Hòa dành cho người khuyết tật, vừa giúp họ có công ăn việc làm vừa góp phần lan tỏa thương hiệu tranh gốm Mosaic Đồng Nai đến với nhiều người.

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-dua-tranh-gom-viet-ra-the-gioi-post695605.html