Đại lễ Phật đản 2024: Lan tỏa tình yêu thương và thông điệp hòa bình

Đức Pháp chủ kêu gọi tăng, ni, Phật tử cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan; tinh tấn tu tập, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sinh, thắp sáng thế gian bằng ánh sáng từ bi, trí tuệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các chư Tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các chư Tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 22/5, tức 15/4 âm lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, dương lịch 2024.

Dự lễ có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, đại diện Bộ Công an và một số đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội, các chư tôn đức Giáo hội cùng đông đảo Phật tử.

Tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết Đại lễ Phật đản, hay ngày Tam hợp - Kỷ niệm Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết bàn, là dịp cùng nhau ôn lại cuộc đời cao thượng, những lời dạy vô ngã vị tha, đầy thương yêu và trí tuệ, không chỉ là nguồn an ủi mà còn hiến tặng giải pháp thiết thực chuyển hóa nỗi khổ đau cá nhân, kiến tạo môi trường an lạc cho vạn loại chúng sanh.

Thế giới hôm nay đang phải chịu nhiều khổ đau do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và xung đột. Chiến tranh làm cho nhân loại vốn đã khổ đau càng thêm đau khổ, hận thù tiếp nối hận thù, con người phải sống trong nỗi bất an và sợ hãi.

Nguy cơ của vũ khí hủy diệt đang đe dọa khắp hành tinh thân yêu của chúng ta, hủy diệt sự sống của nhân loại.

 Lễ Chính thức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 tại Tổ đình Từ Đàm, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Lễ Chính thức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 tại Tổ đình Từ Đàm, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Hơn bao giờ hết, chúng ta càng trân kính và nỗ lực thực hành những lời dạy quý báu của Đức Thế Tôn trong việc xây dựng một thế giới an bình, nhân văn, đạo đức.

Đức Pháp chủ kêu gọi tất cả những người con Phật “hãy tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật; tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, si thành tam vô lậu học giới, định, tuệ; kiến tạo chánh báo trang nghiêm thanh tịnh để hình thành y báo hòa bình, an lạc như kinh Duy Ma Cật đã dạy 'Tâm bình thế giới bình'."

Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ cũng kêu gọi tăng, ni, Phật tử cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan; tinh tấn tu tập, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sinh, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ.

“Với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, tôi mong muốn tất cả người con Phật trên khắp thế giới đoàn kết, cùng cả nhân loại chung sống vị tha, kiến tạo thế giới hòa bình, an lạc,” Thông điệp nêu.

Trong diễn văn Phật đản, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tới toàn thể chư tôn đức tăng, ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại an lạc.

Theo Hòa thượng, Phật đản Phật lịch 2568-dương lịch 2024 năm nay diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cách đây 70 năm về trước (7/5/1954-7/5/2024).

Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với các thế hệ chư tăng tham gia phong trào cởi áo cà sa, khoác chiến bào năm 1947.

 Các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đó cũng là minh chứng lịch sử tiếp nối hào khí Đông A thời Trần của Phật giáo Trúc Lâm, của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời cũng chính là minh chứng hiện thực cho hạnh nguyện cao cả của các bậc Bồ tát đi vào đời thường phát tâm đại nguyện như trong luận Đại trượng phu nêu rõ: “Bồ tát hy sinh tất cả, đại thí cứu người. Người cứu vớt người thì bố thí tất cả, có gì là khó. Người ấy là người tối thắng của muôn loài, là người hướng dẫn muôn loài đạt được sự an lạc. Người ấy là con người của từ bi, nên hy sinh tất cả mà không ngần ngại. Người ấy là người chân thật cứu người, cứu đời.”

Cho biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là tấm gương vĩ đại nhất phản chiếu ánh sáng của lòng tri ân đối với cuộc đời của một con người, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng: “Tri ân Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất. Một người có lòng tri ân, họ sẽ có tất cả; một người không có tâm tri ân, họ sẽ mất tất cả.”

“Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình, thịnh vượng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng, tri ân và báo ân đối với sự hy sinh thiêng liêng của biết bao thế hệ cha ông chúng ta giành lại độc lập, tự do cho dân tộc,” Hòa thượng nhắc nhở.

 Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Việt Nam Quốc tự, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Việt Nam Quốc tự, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng lưu ý tăng, ni phải đề cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, và làm tròn bổn phận của mình. Các cấp Giáo hội tập trung tổ chức tốt kỳ an cư kết hạ Phật lịch 2568, nêu cao tính kỷ cương, trách nhiệm, hành trì giới luật để trang nghiêm Giáo hội.

Tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội thông qua việc tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên Phật tử Hè 2024, giúp cho các bạn trẻ trở thành những con ngoan, trò giỏi, học tập tiến bộ.

Giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tại Đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và Phật tử đã thực hiện nghi lễ dâng hương, tắm Phật truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-le-phat-dan-2024-lan-toa-tinh-yeu-thuong-va-thong-diep-hoa-binh-post954771.vnp