Nghệ sĩ Ưu tú Mai Lan - Truyền lửa nghệ thuật chèo

Lập nghiệp, thành danh, cư trú ở TP Bắc Giang đã 20 năm nay song Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Mai Lan (Phạm Thị Lan) luôn nhớ về tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với làng quê Việt Yên. Bởi quê hương Việt Yên vốn là cái nôi quan họ bờ Bắc sông Cầu đã nuôi dưỡng tâm hồn yêu ca hát, cho chị chất giọng nữ cao khỏe khoắn, trong trẻo để sau này mang đến cho người nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng.

Tôi hẹn mấy lần mới gặp bởi chị luôn bận rộn với lịch tập các vở diễn để chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh dịp đầu xuân Giáp Thìn. Mùa xuân này, Mai Lan đón niềm vui lớn với danh hiệu NSƯT vừa được Nhà nước phong tặng dịp cuối năm 2023, ghi nhận tài năng và những đóng góp của chị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

"Con chim oanh" của miền quê quan họ Bắc sông Cầu

Việt Yên là đất quan họ, các làng quê đều có đội quan họ, chiếu chèo truyền thống; thôn Kẻ, xã Quảng Minh (nay là phường Quảng Minh, thị xã Việt Yên) quê hương của chị cũng vậy. Tự bao giờ, cô bé Lan đã sớm bộc lộ tố chất, niềm yêu thích những làn điệu dân ca ấy dù gia đình không có ai làm nghệ thuật. Khi còn học cấp 2, cô học trò vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt như biết nói, biết cười thường xuyên được chọn vào đội văn nghệ của lớp, trường và thôn xóm tham gia biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ quần chúng. Cô bé được mọi người trìu mến gọi là con chim oanh bé nhỏ. May mắn khi đó, Mai Lan được người bác họ hướng theo con đường ca hát chuyên nghiệp bằng việc động viên gia đình cho cô thi tuyển vào Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang).

NSƯT Mai Lan trong một vở diễn.

Từ đây, Mai Lan vừa học văn hóa để hoàn thành chương trình THPT vừa được đào tạo để trở thành diễn viên chèo chuyên nghiệp. Tốt nghiệp khóa trung cấp, chị được nhận về công tác tại Nhà hát Chèo Bắc Giang (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và gắn bó với nghiệp diễn đến nay. Vừa làm việc ở nhà hát, chị vừa tiếp tục chương trình đại học do Học viện Âm nhạc Huế liên kết mở tại tỉnh. Từ vừa làm, vừa học mà những kinh nghiệm thực tế và kiến thức trường lớp, sách vở đã bổ trợ cho chị thêm nhuần nhuyễn về kỹ thuật biểu diễn, đảm nhận tốt mỗi vai diễn được giao. Mai Lan chia sẻ: “Với một diễn viên, ngoài tố chất thiên bẩm còn cần học hỏi liên tục, cần được đào tạo bài bản. Tôi may mắn khi bước chân vào trường và khi công tác tại nhà hát đã được sự dẫn dắt, truyền nghề từ những nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật chèo Việt Nam và lớp đàn anh, đàn chị như Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm, NSƯT Hương Quế, NSƯT Thanh Hường, NSƯT Quỳnh Mai”.

Mai Lan đã nỗ lực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức, thể hiện vào mỗi vai diễn. Với mỗi học viên hay diễn viên chèo mới vào nghề đều phải tập đóng các vở mẫu, vai mẫu có tính chất kinh điển của chèo cổ như: “Lưu Bình Dương Lễ”, “Xúy Vân giả dại”, “Tuần Ty Đào Huế”, “Thị Mầu lên chùa”, “Quan âm Thị Kính”… Quá trình học tập, ai vào vai nào tốt thì khi nhà hát dựng vở sẽ được giao đảm nhận vai đó. Với mỗi diễn viên, được chọn đóng vai chính trong vở diễn là vinh hạnh đồng thời cũng là áp lực bởi đó là trọng trách nhà hát giao; do vậy phải thể hiện hết mình để khẳng định tài năng diễn xuất.

20 năm trong nghề, Mai Lan gặt hái thành công qua nhiều vai diễn. Trong đó phải kể đến vai Châu Long (vợ của Dương Lễ trong vở Lưu Bình - Dương Lễ) đã đem về cho chị Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2016 bởi sự hóa thân xuất sắc vào nhân vật người vợ hiền thay chồng khi đó đã đỗ đạt, làm quan giúp Lưu Bình (bạn của chồng) ăn học từ một nho sinh nghèo, bất mãn vì thua kém quyết dùi mài kinh sử, đỗ đạt vinh quy. Với vai Thị Phương (vợ Trương Viên trong vở Đôi ngọc lưu ly) trong Hội thi tài năng trẻ sân khấu chèo toàn quốc năm 2017, chị được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại Liên hoan chèo toàn quốc tổ chức tại Bắc Giang năm 2019, chị tiếp tục giành Huy chương Vàng với vai cô Miên (vở “Người con gái Kinh Bắc” do Nhà hát Chèo Bắc Giang dàn dựng). Vở diễn đã gây xúc động mạnh cho khán giả bởi nhân vật Miên - một nữ tướng thay chồng cầm quân diệt giặc, một lòng kiên trinh, cùng quân dân bảo vệ quê hương, đất nước.

Nhờ chất giọng cao, khỏe trời phú cùng với kỹ thuật biểu diễn tốt nên Mai Lan có lợi thế khi thể hiện các vai nữ chính của nhiều vở diễn. Cũng nhờ vậy, chị thường vào các vai chính khi Nhà hát Chèo dựng vở như vai hoàng hậu trong vở “Lời ru hai người mẹ”, người vợ của tiến sĩ Thân Nhân Trung trong vở “Danh chiếm bảng vàng”... Các vở diễn của Nhà hát Chèo Bắc Giang biểu diễn trong và ngoài tỉnh đều nhận được sự yêu mến, thu hút lượng lớn khán giả.

Truyền tình yêu nghệ thuật chèo cho lớp trẻ

Những năm gần đây, cơ sở vật chất, công tác đào tạo ngày càng được các cấp quan tâm đầu tư, thêm vào đó là sự năng động của tập thể đội ngũ Nhà hát Chèo đã thêm luồng gió mới, khích lệ cán bộ, diễn viên, người lao động trong hoạt động nghệ thuật. Đề án Phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành nhằm mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu, mang nét đặc trưng của văn hóa vùng Kinh Bắc - Bắc Giang; tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

NSƯT Mai Lan truyền dạy hát chèo cho học sinh.

Với trách nhiệm của mình, chị cùng các đồng nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền dạy nghệ thuật chèo cho các hạt nhân và các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ ở cơ sở; dạy các tiết học sân khấu học đường tại các trường học theo mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Với tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ và sự am hiểu về vốn quý di sản dân ca, chị đã thổi vào tâm hồn nhiều bạn trẻ tình yêu đối với nghệ thuật chèo truyền thống. Nhiều CLB, các đội văn nghệ trường học duy trì hoạt động khá hiệu quả như Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang); Trường THCS Hồng Thái (thị xã Việt Yên) và một số trường học ở địa bàn huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng. Nhiều em học sinh từ sự khởi đầu đó được tiếp thêm niềm đam mê, sau này đã trở thành các lứa sinh viên của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật.

NSƯT Mai Lan cho biết, điều đáng mừng là trước sự phát triển rầm rộ và sức ảnh hưởng vô cùng lớn của công nghệ giải trí hiện đại, công chúng nói chung, lớp trẻ nói riêng vẫn dành tình yêu lớn đối với nghệ thuật chèo truyền thống. Nhà hát thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ nhân dân trong tỉnh và nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh... Các đêm diễn đều thu hút đông đảo công chúng đến xem và cổ vũ. Nhiều khi vở diễn đã kết thúc, bà con vẫn yêu cầu diễn tiếp. Có địa bàn, Nhà hát biểu diễn 3 đêm liền để đáp ứng nhu cầu của bà con. Với những người làm nghệ thuật, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Tình cảm đó tiếp thêm động lực để chị và các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật truyền thống; mang đến cho công chúng những vở diễn hay, góp phần gìn giữ, lan tỏa cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa mà cha ông để lại, làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Kim Hiếu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghe-si-uu-tu-mai-lan-truyen-lua-nghe-thuat-cheo-104551.bbg