Mâu thuẫn vì hệ thống dẫn nước thải

Trong suốt 16 năm tham gia công tác hòa giải, ông Đặng Đình Kích (65 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố Quang Minh, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân. Do đó, ông cùng với các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc. Câu chuyện hòa giải thành dưới đây được ông Đặng Đình Kích kể với phóng viên PL&XH là một trong những vụ mà ông ấn tượng nhất.

Câu chuyện hòa giải:

Ông Đặng Đình Kích chia sẻ: “Sau mỗi lần hòa giải dù thành công hay thất bại, chúng tôi đều họp để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ việc về sau càng nhanh gọn và hiệu quả”. Ảnh: Văn Biên

Gia đình bà Nguyễn và gia đình ông Lê là láng giềng sống hòa thuận với nhau, hàng chục năm không có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Đầu năm 2019, nhà bà Nguyễn xây dựng xưởng may sát bờ rào với nhà ông Lê. Kể từ đó, mỗi khi mưa to, nước từ mái xưởng chảy thẳng sang phần đất nhà ông Lê. Bên cạnh đó, thi thoảng nước thải của xưởng may chảy sang phần đất nhà ông Lê gây ô nhiễm. Gia đình ông Lê đã nhiều lần sang trao đổi, yêu cầu gia đình bà Nguyễn khắc phục nhưng bà Nguyễn không thực hiện. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, đỉnh điểm là một ngày vào tháng 7/2019, hay gia đình xảy ra xô xát.

Sau khi tiếp nhận nội dung vụ việc, ông Kích đã cùng tổ hòa giải xóm hội ý và phân công hòa giải viên gặp gỡ các bên để nắm bắt tình hình sự việc. Ông Kích chịu trách nhiệm chính hòa giải vụ việc.

Nhận định sự việc giữa hai gia đình đang căng thẳng và để làm dịu tình hình, ông Kích đề nghị các hòa giải viên gặp mặt hai gia đình để thuyết phục các bên giữ bình tĩnh, không để tiếp tục xảy ra cãi cọ, xô sát. Khi tình hình đã lắng dịu, ông Kích tranh thủ hỏi thăm các bên nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc.

Bà Nguyễn cho rằng, bà xây xưởng trong phần đất vườn của gia đình, khi mưa thì nước mưa chảy chung nhà nào cũng bị, phần nước thải từ xưởng nhà bà đã cho chảy ra phần đất của gia đình nhưng do nhà ông Lê thấp hơn nên nước ngấm và tràn qua, cũng thỉnh thoảng mới tràn chứ không phải thường xuyên.

Trong khi đó, theo quan điểm của gia đình ông Lê: từ trước đến nay, vườn nhà ông không bị ngập. Chỉ từ khi gia đình bà Nguyễn xây dựng xưởng khi trời mưa to, nước chảy từ mái đổ sang phần đất gây ngập úng, đồng thời nước thải từ nhà bà Nguyễn thường xuyên tràn sang vườn nhà ông gây ô nhiễm môi trường. Nếu bà Nguyễn không khắc phục thì ông sẽ có biện pháp cứng rắn hơn.

Ngoài việc xác minh thực tế phần đất liền kề với công trình xây dựng nhà bà Nguyễn, ông Kích đã tranh thủ hỏi thăm ý kiến của một số hộ xung quanh để nắm bắt thêm thông tin.

Xác định mâu thuẫn, tranh chấp giữa 2 gia đình là tranh chấp dân sự về quyền đối với bất động sản liền kề do Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh, ông Kích cùng tổ hòa giải Tổ hòa giải đã tham khảo ý kiến công chức Tư pháp - hộ tịch, công chức Địa chính - xây dựng phường.

Các tổ viên đã đưa ra các quan điểm hòa giải như sau: phải bảo đảm khách quan, có sức thuyết phục, có lý, có tình để các bên thấy được cái đúng, cái sai dựa trên các quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm cá nhân, gia đình trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường chung cho cộng đồng.

Tôn trọng các bên và trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự của khu phố.

Tổ hòa giải xác định việc nước thải bà Nguyễn chảy sang đất nhà ông Lê gây ô nhiễm là có thật và là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn chính của hai gia đình trong thời gian qua.

Để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tranh chấp, mâu thuẫn, tổ hòa giải đã nghiên cứu 2 văn bản có liên quan sau: Điều 250 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa; việc xử lý nước thải sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (được quy định từ Điều 80 đến Điều 84 của Luật).

Do tính chất của vụ việc cần phải giải quyết sớm, căn cứ thực tế điều kiện thời gian của hai gia đình, tổ hòa giải quyết định tiến hành phiên hòa giải ngay sau khi thống nhất được phương án giải quyết vụ việc.

Địa điểm được lựa chọn thực hiện tại nhà văn hóa tổ dân phố. Thời gian và địa điểm hòa giải được thông báo cho cả hai gia đình có tranh chấp, mâu thuẫn.

Tại buổi hòa giải, trên cơ sở nội dung vụ việc, ý kiến, nguyện vọng của 2 bên, các thành viên tổ hòa giải đã nêu cái đúng, cái sai của từng gia đình, quy định của pháp luật về quyền đối với bất động sản liền kề của Bộ luật Dân sự năm 2015, vấn đề tình làng nghĩa xóm... Do nhận thức, hiểu biết pháp luật của 2 bên còn hạn chế, mặt khác khi xử sự 2 bên còn nóng nảy dẫn đến mâu thuẫn, xô xát xảy ra. Tổ hòa giải đưa ra hướng xử lý như sau:

Gia đình bà Nguyễn phải làm máng ngăn nước mưa đối với phần mái nghiêng sang đất nhà ông Lê, lắp hệ thống dẫn nước thải từ nhà xưởng ra hệ thống dẫn nước chung của khu phố.

Gia đình ông Lê tạo điều kiện cho gia đình bà Nguyễn lắp ống dẫn nước thải sinh hoạt dọc theo bờ rào trên phần đất của gia đình ông, với lý do phần đất vườn bà Nguyễn đã xây dựng xưởng nên khó khăn trong việc lắp ống dẫn nước thải.

Hai gia đình nên tôn trọng tình cảm vốn có, tình đoàn kết, mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Đó cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho các thế hệ con cháu sau này sống tốt với nhau hơn. Yêu cầu hai bên gia đình chấm dứt những lời qua tiếng lại, để gắn kết tình cảm xóm giềng, ổn định an ninh trật tự trong khu phố.

Nhận thấy hướng giải quyết tổ hòa giải đưa ra phù hợp và để gắn kết lại tình làng nghĩa xóm, hai bên đồng ý với hướng giải quyết của tổ hòa giải và hứa trong vòng 7 ngày sẽ khắc phục xong.

Sau 7 ngày kể từ buổi hòa giải, ông Kích cùng các thành viên tổ hòa giải đã trực tiếp đi kiểm tra việc thực hiện cam kết của hai gia đình. Hai bên đã thực hiện rất tốt các cam kết trước đó.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mau-thuan-vi-he-thong-dan-nuoc-thai-380364.html