Quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ tăng lên, tạo sinh kế bền vững cho người dân từ nghề rừng.

Xây dựng quy chế sử dụng tiền DVMTR

Tỉnh ta có 694.741 ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 49,24% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, hơn 350.000 ha rừng được giao cho trên 2.000 cộng đồng, tổ chức đoàn thể của các bản quản lý, hằng năm được chi trả từ 90-130 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), chiếm trên 50% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng của toàn tỉnh. Từ năm 2021 trở về trước, việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các cộng đồng thực hiện theo quy ước, hương ước của bản. Thực hiện chủ trương về phát triển lâm nghiệp bền vững, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiền DVMTR, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản.

Tổ bảo vệ rừng bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng.

Tổ bảo vệ rừng bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan, quán triệt triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với các phòng chuyên môn và hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng bản, trên tinh thần công khai, dân chủ.

Mở rộng mô hình

Trong 2 năm (2022-2023), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị cấp tỉnh, 182 hội nghị cấp xã, với gần 7.000 lượt người tham gia xây dựng quy chế, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đồng thời, thực hiện giải pháp “Sử dụng hiệu quả kinh phí dịch vụ môi trường rừng, trọng tâm là nghiên cứu cơ chế khuyến khích các chủ rừng sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Nhà văn hóa bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, được xây dựng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Nhà văn hóa bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, được xây dựng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu đang quản lý 960 ha rừng; trong đó có 1 chủ rừng là cộng đồng bản và 64 chủ rừng là hộ gia đình. Bắt đầu từ năm 2012, bản được chi trả tiền dịch vụ MTR, từ đó đến nay, diện tích, chất lượng rừng liên tục được tăng lên, ở bản bây giờ không còn đất trống, đồi trọc. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vì Văn Hạnh cho biết: Trung bình mỗi năm cộng đồng bản được chi trả từ 300-350 triệu đồng dịch vụ MTR. Trước đây việc sử dụng tiền dịch vụ MTR thực hiện theo quy ước, hương ước của bản. Năm 2018, bản được chọn là 1 trong 10 mô hình thí điểm xây dựng quy chế sử dụng tiền DVMTR. Sau khi xây dựng và thực hiện theo quy chế, đã phân công rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban quản lý bản và tổ bảo vệ, PCCCR. Qua đó, việc quản lý, chi tiêu nguồn tiền DVMTR và các nguồn khác bảo đảm hiệu quả, minh bạch, được bà con trong bản đồng tình, ủng hộ.

Từ 10 mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh có 1.073 cộng đồng bản là chủ rừng đã xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo quy chế, hằng năm dựa trên tổng số tiền được chi trả, các cộng đồng bản sẽ trích 25% phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ, chữa cháy rừng, mua cây giống trồng rừng, trồng cây phân tán, mua sắm công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng. Trích 38% đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, đường nội bản, công trình thủy lợi, nhà lớp học; mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. 17% hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và trích 20% thực hiện công tác tuyên truyền, khen thưởng.

Các tuyến đường ở bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu được đổ bê tông từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Các tuyến đường ở bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu được đổ bê tông từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Bên cạnh đó, sau khi xây dựng quy chế, các cộng đồng bản đã thành lập, kiện toàn trên 1.000 tổ, đội bảo vệ PCCCR, mỗi tổ, đội có từ 20-40 thành viên. Hằng tháng, tổ chức tuần tra bảo vệ, PCCCR theo kế hoạch, có chấm công và chi trả cho các thành viên từ 150.000 đến 250.000 đồng/ngày công. Từ năm 2021 đến nay, các cộng đồng bản đã sử dụng hiệu quả trên 291 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, chi cho quản lý, bảo vệ rừng gần 74 tỷ đồng, chi hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên 50 tỷ đồng, chi gần 110 tỷ đồng xây dựng trên 5.000 công trình phúc lợi công cộng, công trình nông thôn mới, chi cho nhóm tiết kiệm và chi phục vụ các hoạt động khác của cộng đồng gần 57 tỷ đồng.

Tạo sinh kế từ nghề rừng

Việc xây dựng và thực hiện theo quy chế, đã giúp các bản tổ chức bảo vệ, PCCCR theo hình thức tổ, nhóm hộ, cộng đồng bản, phối hợp, hỗ trợ thực hiện tuần tra, đã tạo sự đồng thuận của nhân dân trong bảo vệ, phát triển rừng và đấu tranh với các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Đặc biệt, tiền DVMTR được sử dụng hiệu quả đã góp phần khai thác tối đa lợi ích của rừng mang lại, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định từ nghề rừng cho nhân dân. Trong đó, điển hình là mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở bản Pạ Lò, xã Cà Nàng, bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; mô hình trồng tre lấy măng ở bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu; trồng cây ăn quả ở bản Chiềng Pằn, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu; mô hình trồng rừng sản xuất ở bản Huổi Yên, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, mô hình trồng cây sơn tra ở bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu...

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở bản Pạ Lò, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở bản Pạ Lò, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang tập trung tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn các cộng đồng bản xây dựng những mô hình kinh tế từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân từ nghề rừng. Tiếp tục nhân rộng mô hình quy chế thôn, bản sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn tỉnh, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quan-ly-su-dung-hieu-qua-tien-dich-vu-moi-truong-rung-MpafvfEIR.html