Liên tiếp những vũ khí khủng sẽ được Nga và Ukraine sử dụng

Các loại vũ khí mới của cả Nga và Ukraine sẽ liên tiếp được đưa vào sử dụng tới đây trên chiến trường, khiến cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng trở lên khốc liệt hơn.

Các nhà phân tích và chuyên gia quân sự tiếp tục đưa ra dự báo về diễn biến tình hình trên chiến trường Ukraine và nhiều người trong số họ bày tỏ lo ngại về những tổn thất bổ sung có thể xảy ra đối với Nga, nếu xung đột kéo dài.

Đại tá đã nghỉ hưu và nhà báo chuyên mục quân sự của Komsomolskaya Pravda, ông Viktor Baranets, đã chia sẻ suy nghĩ của mình về tình hình hiện tại trong một cuộc phỏng vấn với Ukraina.ru. Ông cho rằng, việc Nga chiếm giữ Avdiivka được coi là bước đột phá trên chiến trường Ukraine gần đây.

Theo ông Baranets, việc Nga chiếm Avdiivka đã mở ra cơ hội cho họ tiếp tục tấn công và đạt được những thành công lớn hơn. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, đáng lẽ quân Nga dốc toàn lực tấn công, thì họ đã dừng lại; điều này giúp Ukraine giành được chỗ đứng và chiếm giữ các vị trí phòng thủ.

Chuyên gia Baranets nhấn mạnh: “Người Ukraine không thể tự chôn mình trong lòng đất một lần nữa như Avdiivka”, đồng thời lưu ý rằng sự chậm trễ này có thể dẫn đến thêm tổn thất cho Nga. Theo ông, Quân đội Nga vẫn còn hy vọng sử dụng loại bom tấn FAB-3000 có thể phá hủy các bãi mìn, công sự và các vật thể kiên cố khác.

FAB-3000 là loại bom rơi tự do cỡ lớn của Liên Xô, nặng khoảng 3000 kg. Nó được phát triển trong Thế chiến thứ hai và được sử dụng rộng rãi trong những năm sau chiến tranh. Bom có sức công phá lớn và được sử dụng để phá hủy các vật thể lớn, diện tích rộng.

Đồng thời, chuyên gia này thừa nhận, khó có khả năng xảy ra sự thay đổi căn bản trên mặt trận trong thời gian tới, nhưng nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục tấn công và gây áp lực lên Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ông cho biết Quân đội Nga sẽ tiến qua các khu vực đông dân cư cho đến khi tới được các mục tiêu ở Kramatorsk và Slavyansk.

Tuy nhiên, với tốc độ tiến quân của Quân đội Nga, trong trường hợp tốt nhất điều này sẽ xảy ra vào cuối mùa hè và điều quan trọng là phải hiểu rằng, Quân đội Ukraine đã nhận được hỗ trợ quân sự của phương Tây; điều này có thể gây thêm khó khăn cho Quân đội Nga.

Đồng thời, các chuyên gia lưu ý rằng, điểm mấu chốt đối với Nga là sự quan tâm đến sự an toàn của binh sĩ, và do đó không quân và pháo binh Nga sẽ tiếp tục tấn công một cách chậm rãi nhưng chắc chắn vào các khu vực kiên cố của Ukraine.

Còn trang Avia.pro của Nga cho biết, Đức có thể sẽ chuyển đạn pháo có tầm bắn tới 100 km cho Ukraine. Avia.pro dẫn nguồn từ Công ty Rheinmetall, một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức, tuyên bố mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Tuyên bố này được cơ quan báo chí của Công ty Rheinmetall đưa ra, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những nguồn cung cấp này đối với việc tăng cường năng lực chiến đấu của Quân đội Ukraine. Ngoài đạn pháo thông thường, Ukraine cũng sẽ nhận được mẫu đạn pháo mới nhất có tầm bắn lên tới 100 km.

Loại đạn pháo mới của Công ty Rheinmetall sẽ mở rộng đáng kể khả năng tác chiến của pháo binh Ukraine, giúp nó có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn nhiều. Điều này có thể trở thành một thách thức mới đối với Nga.

Theo đại diện của Rheinmetall, các loại đạn cải tiến được phát triển có tính đến các yêu cầu hiện đại về độ chính xác và tầm bắn trúng mục tiêu. Nhưng đây rất có thể là những mẫu đạn pháo thử nghiệm, nên việc giao hàng rất có thể sẽ bao gồm từ vài trăm đến vài nghìn viên đạn loại này.

Trong khi đó hãng tin CNN/Mỹ cho biết, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan dự kiến vào ngày 9/5 tới đây, hai bên sẽ trao đổi về khả năng cung cấp 12 khẩu pháo tự hành T-155 Firtina cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn pháo binh, giúp tăng cường đáng kể hỏa lực cho Quân đội Ukraine.

Pháo tự hành T-155 Firtina được Thổ Nhĩ Kỳ phát triển dựa trên pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc. Ban đầu được tạo ra để phục vụ nhu cầu của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, loại pháo này sau đó xuất khẩu, bao gồm cả cung cấp cho Azerbaijan.

Pháo tự hành T-155 nổi bật bởi có tầm bắn xa, mức chính xác cao và tính cơ động vượt trội. Pháo có khả năng bắn các loại đạn tiêu chuẩn của khối NATO và khi sử dụng đạn tăng tầm, lắp động cơ phản lực đẩy, tầm bắn tối đa có thể lên tới 30 km.

Trong quá trình phát triển, Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ kíp xe, bằng cách tăng cường lớp giáp bảo vệ, có thể chống được đạn xuyên của súng bộ binh và mảnh đạn pháo. T-155 được trang bị các thiết bị chiến đấu hiện đại, bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực bằng máy tính và thiết bị hỗ trợ điều hướng.

Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ giao pháo T-155 cho Ukraine phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm sự hỗ trợ chính trị từ Mỹ và sự cho phép của Hàn Quốc, vì việc sản xuất pháo được thực hiện theo giấy phép. Vấn đề này sẽ là một trong những vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán sắp tới của ông Erdogan tại Washington. (Nguồn ảnh: CNN, Avia.pro, Topwar).

Tiến Minh (Theo Avia.pro, CNN)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/lien-tiep-nhung-vu-khi-khung-se-duoc-nga-va-ukraine-su-dung-1986783.html