Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Vì đâu nên nỗi?

Việc các quốc gia vùng Vịnh đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar được cho là nhằm buộc quốc gia này điều chỉnh chính sách đối ngoại khác biệt của mình.

Ngày 5/6, Saudi Arabia, UAE, Yemen, Bahrain và Ai Cập đã đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, tố cáo quốc gia vùng Vịnh này tài trợ cho Iran. UAE còn ấn định cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để thu dọn hành lý rời khỏi đất nước. Một số nước thậm chí còn tuyên bố cắt toàn bộ các tuyến đường giao thông - vận tải với Qatar, trong khi liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen đã loại Qatar ra khỏi hàng ngũ của mình.

Qatar đã bị các quốc gia vùng Vịnh đồng loạt tẩy chay (Trong ảnh: Tổng Thư ký và Ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - GCC). (Nguồn: ArabTimes)

Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ không chỉ có vậy. Tờ Foreign Policy nhanh chóng đặt câu hỏi: “Liệu căng thẳng ngoại giao mới liên quan đến Qatar có tạo nên Bức tường Lớn tiếp theo?”, đồng thời cho rằng đây là thời cơ để các cường quốc Sunni tại vùng Vịnh đối đầu với Iran. Hãng tin AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng Saudi Arabia và UAE đang tận dụng cơ hội từ sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực để tìm cách cô lập Qatar.

Chính sách khác biệt

Qatar, quốc gia giàu khí đốt, từ lâu đã thể hiện sự độc lập nhất định trong chính sách đối ngoại của mình. Doha cũng phủ nhận tuyên bố của người đứng đầu nước này về việc ủng hộ Iran và đặt dấu hỏi về sự thù địch của Washington với Tehran. Qatar cho rằng tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn Al-Jareeza và đăng tải các thông tin sai lệch về phát biểu của Tiểu Vương Tamim bin Hamad Al-Thani sau khi ông Trump tới Saudi Arabia - nước láng giềng của Qatar. Những bình luận này bị xem như cú tát nhằm thẳng vào Riyadh và Abu Dhabi, hai chính quyền dòng Hồi giáo Sunni vốn rất hoan nghênh ông Trump và lập trường cứng rắn của ông nhằm vào Iran - nước có phần đông là cộng đồng người Hồi giáo Shiite.

Nhà nghiên cứu Adam Baron, làm việc tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu bình luận: “Sự kiện này đánh dấu mức căng thẳng chưa từng có trong nội bộ Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”. Theo ông Baron, chính lập trường và chính sách độc lập vốn có của Qatar đã khiến các nước láng giềng tức giận, nhất là Saudi Arabia và UAE, hai nước không hài lòng về mối quan hệ của Qatar với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Tạp chí Foreign Policy đánh giá Riyadh cho rằng Qatar đã để cho chủ nghĩa Wahhabi - học thuyết Hồi giáo của Taliban - phát triển tự do và trở thành nhân tố gây bất ổn khu vực. Trong khi đó, Qatar - quốc gia đã có những sự nới lỏng nhất định với người Hồi giáo, chẳng hạn như cho phép phụ nữ lái xe hay người nước ngoài tới đây được sử dụng đồ uống có cồn - lại chỉ trích Saudi Arabia vì đã "tô vẽ" chủ nghĩa Wahhabi một cách xấu xí và sai lệch.

Qatar cũng là quê hương của cựu thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal, người từng phải sống lưu vong vài năm tại Doha. Quốc gia này cũng bị chỉ trích vì ủng hộ quân nổi dậy Hồi giáo tại Syria và vào năm 2013, lực lượng Taliban ở Afghanistan từng mở một văn phòng tại thủ đô Doha.

Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Andreas Krieg, hiện làm việc tại Ban Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Trường King’s London (Anh), cho rằng sau khi ông Trump kêu gọi cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, Thái tử thứ hai của Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed cảm thấy “cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế các lực lượng này”. Theo ông Krieg, lãnh đạo hai quốc gia này cùng có chung quan điểm cho rằng Hồi giáo chính trị là mối nguy đối với “mục tiêu xây dựng một xã hội tự do đủ sức cạnh tranh với Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ với Quốc Vương Saudi Arabia Salman trong chuyến thăm Trung Đông hồi tháng 5. (Nguồn: The New York Times)

Jane Kinninmont, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện nghiên cứu chiến lược Chatham House (London) nhận định, những căng thẳng hiện nay không hẳn là bởi “những gì mà Qatar làm gần đây”, mà xét trong bối cảnh Riyadh và Abu Dhabi đang thúc đẩy quan hệ với Chính quyền Trump, hành động chống lại Qatar dường như “là một nỗ lực để chớp lấy thời cơ”.

Tiến thoái lưỡng nan

Nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore James Dorsey thì cho rằng quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước vùng Vịnh ngày 5/6 là một “chiến dịch do Saudi Arabia và UAE dẫn đầu nhằm cô lập Qatar và sâu xa hơn là nhằm vào Iran”. Ông Dorsey chỉ rõ, chiến dịch này nhằm buộc các nước ngoài khối Arab phải lựa chọn xem họ đứng về bên nào và “thuyết phục Chính quyền Trump gây áp lực với Qatar bởi quốc gia này không cùng chung quan điểm phản đối Iran, cũng như mối quan hệ của nước này với các nhóm phiến quân và Hồi giáo”.

Tờ South China Morning Post cũng cho rằng chiến dịch cô lập Qatar của Saudi Arabia và UAE sẽ không chỉ tác động tiêu cực tới chính Doha, mà còn đẩy một số quốc gia khác ngoài Arab vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Căng thẳng ngoại giao hiện nay có thể buộc các quốc gia này phải lựa chọn một bên để ủng hộ, phải tìm cách vừa duy trì quan hệ, vừa tránh bị dính líu vào những cuộc xung đột âm ỉ cháy ở Trung Đông.

Lấy một ví dụ cụ thể, sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc ra sức thúc đẩy đang đối mặt với nhiều nguy cơ, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Saudi Arabi và Iran tại vùng Balochistan - một khu vực trọng yếu tại Pakistan và là mắt xích quan trọng trong sáng kiến này, có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Tờ báo cũng dẫn lời ông Dorsey cho rằng việc các nước GCC đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar sẽ càng khiến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cân bằng chính sách Trung Đông để đối phó với Mỹ trở nên khó khăn hơn, nhất là nếu Washington thực sự muốn hậu thuẫn Saudi Arabia và UAE.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-ngoai-giao-qatar-vi-dau-nen-noi-50536.html