Không thể vì thiếu cát mà cố tận thu (bài 2)

Vật liệu thiếu là câu chuyện không thể giải quyết ngày một ngày hai. Nhưng không thể vì thiếu vật liệu mà cố tận thu. Thực tế, việc hút cát, sỏi theo kiểu tận thu, bừa bãi dễ khiến đáy sông bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, bờ kè, làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng người dân…

Hàng trăm kilomet đường cao tốc “ngóng” cát

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có 4 dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai với tổng chiều dài 355km. Đây là các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được Đảng, Nhà nước rất quan tâm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, cát - nguồn vật liệu san lấp chủ yếu cho các tuyến đường này được khai thác trên hai tuyến sông chính của Đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến khai thác khó khăn, gây ảnh hưởng tiến độ các dự án.

Việc khai thác cát không bền vững tác động không nhỏ đến hình thái của dòng sông, dễ dẫn đến sạt lở.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, toàn tuyến Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tiến độ thi công hiện đạt khoảng 9%. Dự án chia làm bốn gói thầu, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang một gói thầu, đoạn Hậu Giang-Cà Mau ba gói thầu. Với nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án là rất lớn trong khi nguồn vật liệu cát trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp thay thế hiệu quả. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí nguồn vật liệu cho dự án, bước đầu đã giải quyết được phần nào những khó khăn. Trong đó, tỉnh đã bố trí cho dự án 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác và ngày 20/9, tiếp tục bàn giao khu mỏ xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho nhà thầu thi công để tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án. Đây là mỏ vật liệu cát đầu tiên được tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu thực hiện khai thác theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ. Để đảm bảo cung cấp kịp thời, đủ khối lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục tăng không quá 50% công suất được ghi trong giấy phép của các mỏ đang khai thác để bố trí cho dự án khoảng 1 triệu m3 ngay trong tháng 9/2023 như dự kiến; hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục đối với 4 mỏ còn lại đã được địa phương giới thiệu cho dự án để hoàn thành trong tháng 9/2023 và tổ chức khai thác từ tháng 10/2023; tiếp tục rà soát các mỏ cát trên địa bàn tỉnh để giới thiệu cho các nhà thầu tiến hành khảo sát, thực hiện thủ tục liên quan nhằm đảm bảo cung cấp đủ cho dự án 7 triệu m3 cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023.

Được biết, Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần tổng cộng 18,46 triệu m3 cát; trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát, tỉnh An Giang cũng có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm nay và đã giao 4 mỏ cho dự án. Tỉnh Vĩnh Long có giới thiệu 2 mỏ cát 1,38 triệu m3, hiện nhà thầu đang khảo sát, đánh giá trữ lượng. Riêng năm 2023, dự án cần khoảng 9,1 triệu m3. Từ cuối tháng 5, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao tỉnh Vĩnh Long cung cấp 2,5 triệu m3, An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh 3,3 triệu m3 để phục vụ thi công tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, thực tế không được lạc quan như cam kết của các địa phương. Lượng cát được các tỉnh bố trí cho những dự án này đến nay là khoảng 1,47 triệu m3, mới đạt 8% so với nhu cầu.

Khai thác phải đảm bảo dòng chảy bền vững

“Vì nguyên nhân gì mà vật liệu bây giờ lại khó khăn như thế? Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem lại có biến động gì về tài nguyên không?”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt câu hỏi khi làm việc với các địa phương về triển khai các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng 9 vừa qua.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định, trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý thì hoàn toàn có thể cung cấp đủ cho tiến độ các dự án cao tốc. Với 60 dự án khai thác cát đã cấp phép thì tổng trữ lượng cát là khoảng 80 triệu m3, trong đó, có 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng. Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Tổng cộng có khoảng 120 triệu m3 cát (gồm 20 triệu m3 cát xây dựng và khoảng 100 triệu m3 cát san lấp) trong khi nhu cầu của 4 dự án cao tốc đang triển khai là 53,68 triệu m3. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhu cầu là vậy nhưng không phải khai thác tập trung một lúc tất cả khối lượng cát trên mà rải ra 4 năm, năm 2024 cần nhiều hơn, năm 2025 giảm dần và kết thúc vào năm 2026.

“Các dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long được bồi lắng qua nhiều năm, ở độ sâu rất sâu vẫn còn rất nhiều cát, cát rất sạch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chỉ khuyến cáo khai thác ở mức độ nhất định để đảm bảo an toàn cho dòng chảy”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói và cho biết, lượng cát này có thể khai thác để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nhắc đến vấn đề đảm bảo an toàn cho dòng chảy, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng trầm trọng hơn, đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Trung bình mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500ha đất. Trong 3 năm từ 2018- 2020, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau. Riêng năm 2020, tỉnh An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000m, khiến khoảng 20.000 hộ dân bị đe dọa phải di dời. Đồng Tháp mất khoảng 329ha đất do sạt lở, phải di dời khoảng 8.000 hộ dân. Thành phố Cần Thơ nằm ở giữa đồng bằng nhưng vào cuối năm 2020 cũng đã có 30 điểm sạt lở, 1.400m sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức và việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998 - 2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m; giai đoạn 2009 - 2016, độ sâu này tăng thêm 5- 10m và kéo theo 66% đường bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long bị xói mòn.

Theo số liệu từ Quản lý dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam, hiện nay, khối lượng cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long từ 6,18-7 triệu tấn/năm và khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra Biển Đông. Trong khi đó, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28-40 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thâm hụt một lượng cát từ 27,5-40 triệu tấn. Việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/-khong-the-vi-thieu-cat-ma-co-tan-thu-bai-2--i708040/