Khám phá những thay đổi: Tác động của làn sóng sa thải công nghệ đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngay khi bước sang năm 2024, ngành công nghệ đã chứng kiến nhiều chuyển đổi quan trọng, nổi bật là làn sóng sa thải trong bối cảnh các công ty tái tổ chức theo hướng ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, biến động này đang tạo ra những thay đổi trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, định hình lại thị trường lao động và triển vọng kinh tế…

Ảnh minh họa.

Khởi đầu năm 2024, ngành công nghệ đã có bước ngoặt quan trọng và được dự đoán sẽ là “Một năm Hiệu quả”. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu và lực lượng lao động bị ảnh hưởng đáng kể bởi AI. Dẫn đầu nỗ lực chuyển đổi này là Google, công ty đã tích hợp mạnh mẽ AI vào quy trình hoạt động và quyết định sa thải lượng lớn nhân viên.

ĐỊNH HƯỚNG LẠI CHIẾN LƯỢC NGÀNH CÔNG NGHỆ

Cụ thể, sau quyết định tích hợp AI vào bộ phận quảng cáo, Google đã sa thải 30.000 nhân viên. Trên thực tế, tình trạng này không chỉ xảy ra tại những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Microsoft, Meta, Amazon, EY và Spotify, mà các công ty trong ngành cũng đang thay đổi quy mô lực lượng lao động do ảnh hưởng từ những tiến bộ AI. Bất chấp lo ngại về những đợt sa thải, rõ ràng những thay đổi này sẽ thường xuất hiện khi thực hiện những chiến lược toàn diện mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy giá trị doanh nghiệp (Impro.ai, 2024).

Đồng tình với quan sát này, theo tờ Reuters, giờ đây, những thay đổi ngày càng tập trung vào việc sắp xếp lại lực lượng lao động và nguồn lực sao cho phù hợp với hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa dựa trên AI, nhấn mạnh sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược kinh doanh của giới công nghệ

ĐỘNG LỰC THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG & TÂM LÝ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG BỐI CẢNH SA THẢI

Trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra trên toàn ngành công nghệ. Thị trường lao động vẫn đang phục hồi sau hậu quả của đại dịch COVID-19. Tác động của đại dịch đã khiến lực lượng lao động giảm khoảng nửa triệu người. Và giờ đây, với sự xuất hiện mang tính biến đổi của AI và tự động hóa, quá trình tái cơ cấu của ngành công nghệ càng khiến thị trường lao động vốn vẫn đang vật lộn với hậu quả tàn dư của đại dịch, càng trở nên khó khăn hơn (Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford (2024)).

Theo dữ liệu từ GlobalData, làn sóng sa thải gần đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm tái tổ chức chiến lược kinh doanh, các yêu cầu cấp thiết về tài chính và sự kết hợp nhanh chóng của AI. Ngay từ đầu năm 2024, một số công ty đã thực hiện những thay đổi chiến lược, cho thấy xu hướng thích ứng và sẽ còn điều chỉnh lâu dài trong ngành.

Bên cạnh đó, tờ TODAY cho rằng tình trạng sa thải hàng loạt hiện nay có mối liên hệ sâu sắc với động lực toàn ngành, nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất với động động lực quan trọng là AI. Không chỉ đơn giản là cắt giảm lực lượng lao động, những thay đổi còn bao gồm chuyển hướng nguồn lực, tận dụng lợi thế của AI và thúc đẩy sự đổi mới trong toàn ngành.

CHUYỂN ĐỔI NHỜ AI: ĐIỀU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG MỚI

Nỗ lực đổi mới của ngành công nghệ đặc biệt với AI và tự động hóa, vẫn không lay chuyển bất chấp số lượng sa thải gia tăng. Các dự đoán của Deloitte cho thấy mức chi tiêu cho AI của doanh nghiệp sẽ tăng 30%, tập trung chủ yếu vào AI tạo sinh vào năm 2024. Quá trình này báo hiệu sự chuyển đổi vượt ra ngoài việc cắt giảm quy mô lực lượng lao động, mở đường cho các vai trò và cơ hội việc làm mới.

Đưa ra dự đoán toàn diện hơn, Deloitte Insights lưu ý mặc dù tình trạng sa thải vẫn đang diễn ra nhưng tương đối khiêm tốn khi so sánh với động lực thị trường lao động chung cũng như các xu hướng việc làm mới hiện nay. Quan điểm này vẽ nên một bức tranh nhiều mặt về thị trường lao động công nghệ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo mới.

DỰ ĐOÁN TRIỂN VỌNG: VẠCH RA HƯỚNG ĐI TRONG TƯƠNG LAI

McKinsey nhấn mạnh, trong thời đại mới này, tăng trưởng năng suất là yếu tố then chốt để doanh nghiệp phát triển bền vững và tăng trưởg lợi nhuận. Những thay đổi đang diễn ra từ sự hứng thú ban đầu xung quanh AI sang triển khai thực tế để thúc đẩy năng suất toàn cầu và giải quyết các thách thức về nhân khẩu học tại tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả tiềm năng của AI trong kinh doanh đòi hỏi nhiều hơn những tiến bộ công nghệ. Điều này đòi hỏi thiết lập các cấu trúc, quy trình và khuôn khổ vững chắc để khai thác các công nghệ này một cách hiệu quả và đảm bảo lợi nhuận đầu tư (Goldman Sachs, 2023).

KẾT LUẬN

Khi vượt qua giai đoạn biến động này, mối liên kết giữa sa thải nhân viên, tích hợp AI và động lực kinh tế đang phát triển sẽ tạo nên một bức tranh kinh tế mới lạ. Con đường phía trước đòi hỏi các công ty cần có chiến lược cân bằng, không chỉ tận dụng tiềm năng của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất mà còn đảm bảo tiến bộ toàn diện và giải quyết các thách thức về bất bình đẳng và gián đoạn xã hội. Trong giai đoạn này, nỗ lực tập thể của các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cá nhân sẽ điều hướng quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu để hướng tới một tương lai nơi tiến bộ công nghệ và sự thịnh vượng của con người cùng tồn tại hài hòa.

Pemi Nguyen

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kham-pha-nhung-thay-doi-tac-dong-cua-lan-song-sa-thai-cong-nghe-doi-voi-nen-kinh-te-toan-cau-nam-2024.htm