Hạn chế vay ODA trong đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, đồng thời đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt.
Khai thác được tiềm năng các địa phương đường sắt đi qua
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết Chính phủ và các thành viên đã tham gia nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này.
Ông Ngân cho biết, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả.
"Tôi may mắn được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu nên tôi rất khao khát Việt Nam sớm có phương tiện giao thông hiện đại này", ông Ngân nói và cho biết, 15 năm trước chúng ta đã thảo luận về dự án này nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực.
"Tuy nhiên, hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp,… Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài. Khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung", ông Ngân nói.
Ông Ngân cũng lưu ý, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn hết sức nghiêm ngặt. "Không vì chi phí hay nguồn thu mà thiếu tập trung yêu cầu này", ông Ngân nói.
Về nguồn vốn, theo ông Ngân số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA.
Cùng với đó, cần huy động doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Ông Ngân cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách Nhà nước, cần quan tâm đến quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD.
"Hiện nay, đất công còn lãng phí, chúng ta nên tổ chức đấu giá sớm để có được nguồn thu này. Tiếp đến là vốn ở tại doanh nghiệp Nhà nước lớn nhưng thiếu cơ chế đột phá. Các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, trong tương lai các địa phương này sẽ tự chủ được ngân sách, không cần thiết điều tiết từ Trung ương về", ông Ngân nói.
Đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng
Tham gia góp ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình thông qua dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, vì thỏa mãn cả 2 điều kiện cần và đủ.
Theo đại biểu, nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hóa lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc – Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do "nút thắt" của chi phí logistics cao.
Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Trung Đông, Bắc Á,… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường.
Do vậy, ông Cường đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết "nút thắt" về logistics.
Dù dự án là cần thiết và chúng ta đủ khả năng đầu tư nhưng đây là dự án lớn quan trọng, ảnh hưởng lớn nên cần đánh giá kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn phương án tốt nhất.
Góp ý vào chủ trương, ông Cường cho rằng cần phát triển dự án này để phục vụ nhu cầu lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa chứ không chỉ chủ yếu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Lý do đại biểu đưa ra là vì dọc trục Bắc – Nam có mức độ tập trung dân số chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải (Trung Quốc) và 1/2 tuyến Đài Bắc – Cao Hùng (Đài Loan), do đó nếu chỉ vận tải khách thì sẽ lãng phí 50% công suất, doanh thu vận tải hành khách không đủ để bù đắp chi phí vận hành, nguy cơ thu lỗ lớn như tuyến Đài Bắc – Cao Hùng.
Hơn nữa, nếu không phục vụ vào vận tải hàng hóa sẽ không giải quyết nút thắt logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc trục Bắc -Nam, không liên vận với đường sắt quốc tế.
Việc cải tạo đường sắt hiện hữu theo ông là không lớn so với công suất hiện tại vì các tuyến này vốn là đường đơn nên số lượng tàu tăng lên chỉ khoảng 1,5 lần và có hàng ngàn nút giao với khu dân sinh đồng nghĩa vận tốc không thể tăng nhanh so với hiện tại đang đảm nhận khoảng 1%.
Thêm vào đó, tuyến đường sắt hiện tại là đường đơn không liên thông với đường sắt vận tải quốc tế là 1m435 do vậy làm tăng chi phí, thời gian trung chuyển hàng hóa.
Do đó, đại biểu đề nghị nên xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phục vụ lưỡng dụng để kết nối với vận tải quốc tế, thu hút đầu tư dọc tuyến để khai thác tối đa công suất, tăng nguồn thu, tránh lấy ngân sách bù lỗ hàng năm.
Ông Cường cho rằng việc đầu tư dự án phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghệ đường sắt trong nước.
Ông cũng nêu bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành – Suối Tiên (Tp. HCM), do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi.
Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế, sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.
Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.
"Bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công, nên có thể "vượt nắng thắng mưa" quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng", ông Cường nhìn nhận.
Hơn nữa, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và Tp.HCM, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, chỉ nên mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như đầu máy, hệ thống điều khiển.
"Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ", ông Cường nêu ý kiến.