Hai bệnh truyền nhiễm đang gia tăng ở TP.HCM

So với trung bình 4 tuần trước, số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM trong tuần 20 tăng tới 51%.

 Bàn tay của một bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Shuttertock.

Bàn tay của một bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Shuttertock.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 20 (13-19/5), toàn thành phố ghi nhận 587 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 51% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 20 là 4.471 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 6.

Cũng trong tuần 20, HCDC cũng báo cáo 137 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 6% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 20 là 3.251 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức.

Sốt xuất huyết và tay chân miệng là 2 bệnh truyền nhiễm theo mùa phổ biến với số ca mắc cao tại TP.HCM và khu vực phía Nam.

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn. Triệu chứng dễ thấy nhất của trẻ mắc bệnh là nổi bóng nước tại các vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông, bên trong niêm mạc miệng.

Bệnh tay chân miệng thường có 4 cấp độ. Ở độ I, IIA, trẻ có thể được điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu mắc bệnh ở cấp độ cao hơn, trẻ cần được nhập viện theo dõi, tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Hiện tại, tay chân miệng vẫn chưa có vaccine dự phòng. Cách duy nhất ngừa bệnh cho trẻ là thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, môi trường sống; tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi vằn. Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện ban đỏ dưới da toàn thân.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm. Đôi khi, sốt xuất huyết vẫn gây triệu chứng và biến chứng nặng.

Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép cho vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn dược phẩm Takeda sản xuất. Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

Người dân từ 4 tuổi trở lên, dù đã mắc bệnh hay chưa, đều được tiêm vaccine mà không cần làm xét nghiệm trước đó.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hai-benh-truyen-nhiem-dang-gia-tang-o-tphcm-post1476734.html