Hạ tầng giao thông liên kết cảng biển tại TP. HCM luôn quá tải
là nhận xét của nhiều doanh nghiệp trước tình trạng quá tải của cơ sở hạ tầng giao thông liên kết với cảng biển tại TP. HCM.
Trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, ông Luis - quản lý một công ty vận tải biển cho biết, hiện nay những tuyến đường chính kết nối với cảng biển tại TP. HCM hầu như phải đi xuyên qua các khu dân cư, khu đô thị, vì thế thường xảy ra tình trạng ùn ứ và quá tải xe tải, xe container, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, trong khi đường vành đai 3, vành đai 4 thì chưa có.
Tình trạng ùn ứ và quá tải xe tải, xe container luôn xảy ra trên các con đường kết nối vào cảng biển TP. HCM.
Theo ông Luis, ở Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng có lợi thế nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng, kết nối khu vực châu Á với các châu lục khác, các tỉnh thành phía Nam rất lợi thế để phát triển đường thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ.
“Để phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút tàu đến với các cảng trên địa bàn thành phố thì việc lưu thông hàng hóa rất quan trọng. Hàng từ các khu công nghiệp/kho bãi đến cảng và ngược lại không bị tắc nghẽn khi vận chuyển xuất nhập khẩu”, ông Luis nói.
Ý kiến trên của ông Luis cũng đồng quan điểm với nhiều nhà đầu tư quốc tế tại TP. HCM khi được mời góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030.
Vấn đề thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến cảng biển được ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCTC Việt Nam đề xuất với lãnh đạo TP. HCM.
Theo đó, TP. HCM cần có giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hậu cần logistics, bởi hiện nay các cảng của thành phố đều đang chịu áp lực lớn.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng trước tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng biển.
Điển hình như cảng Cát Lái, đây là cảng lớn nhất TP. HCM nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi năm lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng tới 30%, trong khi hạ tầng cảng đã được xây dựng từ năm 2007, cách đây 15 năm dẫn đến nguy cơ ùn ứ và quá tải.
Theo ông Park Hyun Bae, chính quyền TP. HCM cần nâng cấp hạ tầng các cụm cảng lân cận, kết nối cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước để giảm áp lực thông quan hàng hóa và tận dụng được các hệ thống hậu cần của công ty vận tải, logistics…
Song song đó, cần ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, AI, Big Data, hạn chế việc làm thủ tục trực tiếp nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm, cân đối giữ nhu cầu phát triển và tình trạng phi tập trung con người.
Về vấn đề logistics, ông Boris Koman, Tổng Giám đốc hãng tàu MSC cho hay, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có lợi thế nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng, kết nối khu vực châu Á với các châu lục khác.
Để phát triển, TP. HCM cần khai thông hàng hóa tại các cảng.
Tuy nhiên, các cảng biển của Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng mới chỉ xử lý được trên 50% công suất thiết kế.
Chính vì thế, MSC đang có kế hoạch xây dựng một kho hàng hóa tại TP. HCM và kết nối với các cảng biển lớn trên thế giới; trong đó, hoạt động dịch vụ, logistics sẽ giữ vai trò quan trọng trong vận tải, nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển không chỉ cho doanh nghiệp thành phố mà còn đáp ứng như cầu các tỉnh lân cận.
Theo Cục hàng hải Việt Nam, những năm gần đây, ngoại thương hàng hóa của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân khoảng 11,5%/năm.
Trong khi đó, tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng biển do đường kết nối đi qua khu dân cư cũng như xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm nên đã làm hàng hóa luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định và chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.