Giải bài toán áp lực giao thông đô thị

Do tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân, nên những năm qua hai TP lớn của cả nước chịu nhiều áp lực đô thị.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều người ví von rằng, ùn tắc, ô nhiễm môi trường được ví là sản phẩm đặc trưng của đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Đáng lưu ý, do vẫn thiếu các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe, đặc biệt với khu vực nội đô đang là bài toán cần có lời giải cấp bách.

Tại Hà Nội, vì thiếu hụt quỹ đất giao thông tĩnh, trong khi phương tiện cá nhân bằng ô tô tăng lên từng ngày, nên người ta tận dụng đủ mọi chỗ để làm bãi gửi xe. Từ đất trong khu dân cư, đến đất dự án bỏ hoang. Nhiều vụ cháy gara ô tô trong khu dân cư để lại hậu quả đáng tiếc về kinh tế, mà người chịu thiệt chính là chủ xe.

Theo một báo cáo, tại Hà Nội tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%. Điều đáng suy ngẫm, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng 8 - 10% nhu cầu, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn tiếp tục rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12 - 15%...

Đáng lưu ý, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi đóng góp vào dự thảo Luật Đường bộ, có những đại biểu đề xuất sớm áp dụng thu phí vào nội đô và sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe, nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, thiếu hụt bãi đậu xe tại các đô thị lớn. Thực tế, vấn đề này đã được nêu ra từ khá lâu, tuy nhiên, do vướng những chế tài pháp lý nên chưa thể thực thi, cho nên, việc đưa quy định vào luật sẽ giải quyết được.

Theo đánh giá, nếu thực hiện thu phí vào nội đô sẽ giảm lượng xe cá nhân đi vào trung tâm TP, từ đó giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí; tăng nguồn thu để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng cũng như bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức là cần có sự đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ để quản lý việc thu phí một cách hiệu quả, minh bạch. Đặc biệt, việc quy định các khu vực thu phí cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm công bằng, tránh hệ lụy xã hội sau khi thực thi.

Tương tự, việc tận dụng sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe là giải pháp tận dụng không gian không sử dụng để giảm bớt tình trạng thiếu hụt bãi đậu xe như hiện nay. Trong khi diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội cũng như một số TP lớn khác đang thiếu hụt. Và nếu thực hiện được, có thể giải bài toán vi phạm trật tự đô thị, thông qua việc giảm thiểu tình trạng chiếm dụng vỉa hè và lề đường để đậu xe, làm thông thoáng đường xá.

Dẫu vậy, nó cũng đặt ra một số thách thức, cơ quan chức năng cần bảo đảm kết cấu và an toàn của các công trình dưới gầm cầu, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc nguy cơ lũ lụt. Việc thiết kế và quản lý bãi đậu xe phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.

Mặc dù cả hai đề xuất này đều có tiềm năng giải quyết một số vấn đề giao thông hiện hữu, song cũng đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt thiết kế, quản lý, tài chính cũng như xã hội để bảo đảm việc triển khai thành công và được cộng đồng chấp nhận.

Thuần Hưng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-ap-lucgiao-thong-do-thi.html