G7 thận trọng về chuyện tài sản đóng băng của Nga

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vừa bày tỏ lo ngại các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đang khiến thị trường toàn cầu tràn ngập sản phẩm dư thừa.

Nỗi lo này được đưa ra khi các quan chức G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ) nói trên nhóm họp tại thị trấn Stresa - Ý từ ngày 23 đến 25-5.

Theo hãng tin Kyodo, trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, G7 khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi các tác động tiêu cực tiềm tàng của tình trạng dư thừa công suất.

G7 cũng sẽ cân nhắc thực hiện các biện pháp để bảo đảm một sân chơi bình đẳng, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới.

Theo Kyodo, G7 có bước đi trên giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Washington cáo buộc chính sách của Bắc Kinh, trong đó có các khoản trợ cấp chính phủ, đã cho phép sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp và ảnh hưởng đến nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã công bố biện pháp tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có xe điện, chip và các mặt hàng chiến lược quan trọng khác.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti (thứ 2 từ phải sang) tại cuộc họp báo hôm 25-5, ngày cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti (thứ 2 từ phải sang) tại cuộc họp báo hôm 25-5, ngày cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7Ảnh: Reuters

Mỹ không kêu gọi các đồng minh có bước đi tương tự nhưng Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen kêu gọi G7 thể hiện lập trường phản đối các chính sách công nghiệp và thương mại của Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti, các nước Liên minh châu Âu giờ đây phải quyết định có theo bước Mỹ sử dụng thuế quan để kiềm chế hàng nhập khẩu Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, ông Giorgetti lưu ý hiện có "các quan điểm khác nhau" về vấn đề này.

Một vấn đề thảo luận quan trọng khác tại hội nghị là hỗ trợ Ukraine. Theo Kyodo, hội nghị chưa đạt được thỏa thuận về việc sử dụng tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ sự phục hồi của Ukraine. Thay vào đó, vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Ý từ ngày 13 đến 15-6.

G7 và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD tài sản tài chính của Nga không lâu sau khi xung đột giữa nước này và Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Mỹ đang thúc đẩy các đối tác G7 hậu thuẫn một khoản vay có thể cung cấp cho Ukraine đến 50 tỉ USD trong tương lai gần.

Tuy nhiên, việc sử dụng từ ngữ thận trọng trong tuyên bố chung - không đưa ra con số hoặc chi tiết cụ thể - cho thấy vẫn còn nhiều khía cạnh pháp lý và kỹ thuật cần được thảo luận kỹ trước khi hiện thực hóa điều này.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/g7-than-trong-ve-chuyen-tai-san-dong-bang-cua-nga-196240526210904512.htm