Doanh nghiệp cần tham gia một cách thực chất vào kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty đổi mới mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Kinh tế tuần hoàn là con đường tất yếu với các doanh nghiệp.
Tiên phong lựa chọn kinh tế tuần hoàn
Ngày 21-9, Tạp chí Nhà đầu tư ra mắt cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong” và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Chủ biên cuốn sách nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ rõ "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".
Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong" do Tạp chí xuất bản là một sáng kiến tiếp và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở nước ta.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, trong cuốn sách, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông David Riddle- Tổng giám đốc điều hành có đóng góp 2 chương nói về lợi ích của kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp và ứng dụng thực tế tại Tân Hiệp Phát.
Theo ông David Riddle, thế giới đang chứng kiến sự cạn kiệt về tài nguyên. Do đó, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện trên phạm vi rộng lớn hơn, để tạo ra sự thay đổi; cùng nhau biến rác thải nhựa thành sản phẩm, tạo ra nền công nghiệp mới, phát triển bền vững.
Trên thế giới, nhiều nước, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng đã áp dụng kinh tế tuần hoàn từ lâu. Chẳng hạn như đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạo ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa. Ví dụ như thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa cho thành phố, điều này có nghĩa là nhựa dư thừa có giá trị.
“Hãy nghĩ đến nhựa tái chế như một nguyên liệu thô mới cho ngành công nghiệp rất thành công sắp tới. Điều này sẽ củng cố Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và có thể tạo ra hàng trăm ngàn nếu không nói hàng triệu công việc mới.
Hiện tại trên thế giới đã có khá nhiều công nghệ để tạo ra và sử dụng nhựa tái chế. Thách thức nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện điều này, trên quy mô lớn. Và một lần nữa đó là lý do tại sao việc hợp tác trên quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết”- Tổng giám đốc điều hành Tân Hiệp Phát chia sẻ.
Xác định kinh tế tuần hoàn để đi được vào đời sống cần một quá trình, có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ, cần cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.
Do đó, "Tân Hiệp Phát tin rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ"- ông David Riddle kiến nghị.
Trong 9 năm qua, Tân Hiệp Phát đã giảm 78.000 tấn rác thải nhựa nhờ ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Cần thêm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn
Đánh giá về cuốn sách, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cuốn sách là tập hợp các trường hợp điển hình về kinh tế tuần hoàn nên chủ đề đa dạng, đầy đủ và ấn tượng.
Theo ông, không chỉ có những thông tin mang tính chất nghiên cứu mà còn có những thông tin đa chiều, người đọc từ đó vừa phản biện, vừa chắt lọc với nhiều thông tin hữu ích.
Thông tin không chỉ hữu ích với bạn đọc mà còn hữu ích với các cơ quan, bộ ngành liên quan trong công tác nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ được đề ra tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Phan Đức Hiếu, cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.
Trong đó, bên cạnh việc đưa ra các chính sách mới để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì cần rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
“Tiêu chuẩn sản phẩm quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ"- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất.
Đồng quan điểm với ông David Riddle, GS. TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch HIệp hội đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, cần phải thay đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn vì nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.
So với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên của thế giới tăng 150%, nhu cầu tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Năm 2014 rác thải nhựa phát thải trên toàn cầu lên tới 150 triệu tấn, dự báo đến năm 2050 nhiều hơn tổng số cá của các đại dương;
“Năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng 3 lần hiện nay, vượt quá sức chịu đựng của con người nên không thể không thay đổi mô hình tăng trưởng. Đây là câu chuyện cấp bách của loài người, đe dọa cuộc sống tương lai, tồn vong của trái đất.
Doanh nghiệp lớn đang làm tốt nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó khăn, cần được hỗ trợ”- GS. TSKH Nguyễn Mại nói.