Điều hành tín dụng bằng room có thể phát sinh tình trạng xin - cho?

Việc áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) như hiện nay được nhiều đại biểu đánh giá là có thể phát sinh tình trạng xin - cho và đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nêu các lý do vẫn kiên trì giữ hạn mức tín dụng.

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường thực hiện Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Liên quan tới chính sách tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng giai đoạn 2022-2023 là "2 năm toát mồ hôi" trong điều hành tiền tệ. Do vậy, về lâu dài cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Nhiều ý kiến trái chiều

Tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế đang tăng trưởng lạc quan hơn trong quý II từ mức tăng trưởng âm trong tháng 2.

Nếu như tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 3 đạt 0,61% thì rất nhiều ngân hàng cổ phần có mức tăng khá cao so với bình quân toàn ngành. Như tại ACB là 3,7%, OCB là 4,6%, Techcombank từ 3-4% trong hai tháng đầu năm. Dự báo tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng lạc quan hơn nữa trong thời gian tới.

NHNN định hướng room tín dụng năm 2024 là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm.

NHNN định hướng room tín dụng năm 2024 là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thay vì cấp theo từng đợt như những năm trước, NHNN định hướng room tín dụng năm 2024 là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng hiện nay để điều hành tín dụng, NHNN thực hiện công cụ phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Mục đích sử dụng room tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, việc áp đặt room tín dụng như vậy có thể phát sinh tình trạng xin - cho, nên đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, lãi suất điều hành là một công cụ của NHNN giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh và lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Bàn về room tín dụng, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, cho rằng một trong những điểm yếu của chính sách tiền tệ từ năm 2011 đến nay là room tín dụng.

Theo ông, hiện nay, các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa được tình trạng “phá rào” tín dụng, đó là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)… và quan trọng nhất là tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR).

Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, việc xóa bỏ room tín dụng cần được hiểu không phải là vấn đề gây ách tắc vốn hiện nay, mà chính là khơi thông dòng vốn cho các ngân hàng tốt, quản trị minh bạch, đầu tư vào các lĩnh vực và doanh nghiệp tốt, tạo ra hiệu quả kinh tế thực sự.

Vì sao chưa bỏ được room tín dụng?

Trước đó, tại Nghị quyết số 62/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD)”.

Nhiều lần báo cáo sau đó, NHNN đều lý giải như nhau về lý do chưa thực hiện được yêu cầu trên.

Ở báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đang từng bước tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, NHNN nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, hiện nay, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo Thống đốc, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế là rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng nên tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô như cảnh báo của một số tổ chức quốc tế.

Đồng thời, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống TCTD.

Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, Thống đốc cho rằng, nếu TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì hệ thống TCTD có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011. Điều đó không chỉ tạo nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, mà còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát.

Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Tư lệnh ngành ngân hàng cho biết, hiện nay, trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các TCTD với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho TCTD. Qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các TCTD.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dieu-hanh-tin-dung-bang-room-co-the-phat-sinh-tinh-trang-xin-cho-1100005.html