Dấu ấn của đối ngoại Trung Quốc sau Đại hội XX

Đại hội XX đã trở thành tiền đề thúc đẩy ngoại giao Trung Quốc thêm phần tự tin với vai trò của nước lớn trên trường quốc tế.

Đối ngoại Trung Quốc sau Đại hội XX có một số chuyển biến đáng chú ý. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trong bối cảnh quốc tế “cam go, phức tạp, nhanh chóng và đầy thách thức”, việc “thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại” là mục tiêu cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nêu bật nội dung này trong Toàn văn Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX, với cụm từ “hòa bình” và sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh” lần lượt xuất hiện 23 và 6 lần.

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển Trung Quốc khi nước này chính thức bước vào giai đoạn phấn đấu thực hiện mục tiêu Một trăm năm lần thứ hai. Việc Trung Quốc hoàn tất kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị sau Đại hội XX và kỳ họp Lưỡng hội khóa XIV đã chủ động mở đường cho hàng loạt hoạt động xúc tiến, kết nối ngoại giao từ lục địa Á - Âu sang đến Vùng Vịnh, trong đó có các “điểm nóng” xung đột trên thế giới. Sau Đại hội lần thứ XX, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang cách thức “tấn công quyến rũ” trong ứng xử các vấn đề quốc tế.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy dấu ấn đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XX bao gồm ba đặc điểm nổi bật như sau.

Chủ động trong song phương

Thứ nhất, Trung Quốc đang ngày một chủ động hơn trong các hoạt động ngoại giao song phương.

Từ cuối tháng 12/2022 - 3/2023, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc “bùng nổ” về số lượng những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo trong và ngoài khu vực. Có thể kể tới nỗ lực ngoại giao với hàng loạt quốc gia gồm Việt Nam, Đức, Saudi Arabia, Philippines, Iran, Belarus, các nước châu Phi cùng một số diễn đàn, tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị An ninh Munich 2023, Liên minh châu Âu (EU) của Ngoại trưởng Tần Cương và mới đây nhất, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình. Những tiếp xúc này phản ánh rằng Bắc Kinh đang thực hiện sự đa dạng trong các bước đi ngoại giao.

Một mặt, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao truyền thống láng giềng, đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á thông qua việc tái khởi động các dự án thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Mặt khác, qua chuyến thăm châu Âu của ông Tần Cương và hoạt động tiếp xúc gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy ý định hàn gắn, tranh thủ lợi ích về kinh tế với các nước ngoài khu vực, đặc biệt là châu Âu, trong bối cảnh cuộc đua về kinh tế, công nghệ giữa nước này và Mỹ còn chưa ngã ngũ.

Trong bối cảnh quốc tế “cam go, phức tạp, nhanh chóng và đầy thách thức”, việc “thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại” là mục tiêu cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Ngoại giao trung gian hòa giải

Thứ hai, đó là nỗ lực bắc cầu làm trung gian hòa giải của Trung Quốc.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết, việc Bắc Kinh công bố lập trường về vấn đề này tháng 2/2023 đã trở thành dấu ấn của ngoại giao Trung Quốc thời gian qua. Trái với các cuộc đàm phán trước đó của Ankara, đề xuất và mong muốn của Bắc Kinh về sẵn sàng tham gia xây dựng, thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine đã thu hút được sự chú ý của cả Moscow và Kiev. Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, sáng kiến hòa bình của Trung Quốc phù hợp với những quan điểm của xứ bạch dương.

Theo một số chuyên gia, đề xuất của Trung Quốc “hấp dẫn” cả Nga lẫn Ukraine là bởi Bắc Kinh đã xây dựng được quan hệ thân thiết với Moscow khi xứ bạch dương bị cô lập trên trường quốc tế. Trong khi đó, Kiev cũng cần phải tính toán đến những tổn thất nước này sẽ phải hứng chịu nếu tiếp tục kéo dài xung đột hiện nay. Đồng thời, Ukraine đang bị “mắc kẹt” trong những thủ tục gia nhập các liên minh của phương Tây. Do vậy, một giải pháp hòa bình được dẫn dắt bởi một quốc gia vừa “trung gian”, vừa “trung lập” sẽ có thể là gợi ý cho cả hai bên.

Một trong những điểm sáng của ngoại giao trung gian hòa giải đó chính là Trung Quốc đã thúc đẩy thành công khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia. Điều này đặt ra dấu hỏi về vai trò và tầm ảnh hưởng của xứ cờ hoa tại Trung Đông khi hiện nay, Bắc Kinh đang thay thế Washington vươn lên như người hòa giải tích cực tại khu vực có chính sách “thân Mỹ”. Theo tờ Asia Times (Trung Quốc), “không ai ở phương Tây từng dự đoán Trung Quốc sẽ làm trung gian cho Iran và Saudi Arabia”.

Dù chỉ mới nối lại cánh cửa đối thoại trong thời gian ngắn, ngoại giao Trung Quốc đã bắt đầu ghi dấu ấn trong “phát huy vai trò mang tính xây dựng cho bảo vệ hòa bình thế giới” như Đại hội XX đã đề ra.

Sau Đại hội XX, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy sự hiện diện trong các cơ chế đa phương và đề xuất sáng kiến quản trị toàn cầu. - Ảnh: Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao năm 2023, tổ chức tại tỉnh Hải Nam từ ngày 28-31/3, có sự góp mặt của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, kinh tế lớn trên thế giới (Nguồn: CNS)

Quản trị toàn cầu

Thứ ba, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy đề xuất sáng kiến quản trị toàn cầu.

Vấn đề Trung Quốc “quản trị” xuất hiện với tần suất lớn trong phát biểu của Chủ tịch Tập tại Đại hội XX. Trong đó, ba sáng kiến quan trọng nhất gồm Cộng đồng chung vận mệnh (GCI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) đều được Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy trong tiếp xúc ngoại giao.

Đặc biệt, GCI được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố là “đóng góp trí tuệ Trung Quốc và phương án Trung Quốc cho giải quyết các vấn đề của nhân loại”. Để thực hiện hiện hóa ý tưởng này, Bắc Kinh đã lấy BRI làm trọng điểm để phát huy trách nhiệm và chủ nghĩa quốc tế Trung Quốc qua việc kết nối mạng lưới Á-Âu. Điều này thể hiện rõ khi đầu năm 2023, Trung Quốc tái khởi động thúc đẩy hợp tác, kết nối mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia với các nước ASEAN.

Quy chiếu với nội dung trong Kế hoạch 12 điểm Hòa bình của Trung Quốc về vấn đề Ukraine, có thể thấy những giải pháp Bắc Kinh đề xuất đều có một số nội dung trùng khớp với quan điểm trong sáng kiến GCI và tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại Đại hội XX, trong đó có “phản đối tư duy Chiến tranh lạnh”. Như vậy, bên cạnh thúc đẩy tiếp xúc song phương và ngoại giao hòa giải, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò tích cực của ngoại giao nước lớn, đóng góp vào giải quyết các vấn đề toàn cầu của thế giới.

Anh Thơ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-an-cua-doi-ngoai-trung-quoc-sau-dai-hoi-xx-221399.html