Chi cho giáo dục, đào tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của các Bộ trong việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hạn chế, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp…

Ngày 27/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn thường trực đã báo cáo về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn Giám sát đã nhận được các báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ. Các báo cáo cơ bản được chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ, bám sát đề cương, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Đoàn giám sát cũng lưu ý một số vấn đề và đề nghị đại diện các bộ làm rõ các vấn đề liên quan.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu một số vấn đề đề nghị các Bộ làm rõ.

Về kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”, nhưng hiện nay việc bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính báo cáo làm rõ sự chênh lệch số liệu nêu trên và đánh giá về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014-2022, kể cả tỷ lệ chi cho giáo dục và đào tạo từ nguồn vượt thu hàng năm.

Về Chương trình phát triển các trường sư phạm, đề nghị các Bộ đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện Đề án; đánh giá việc thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; làm rõ hơn về Dự toán kinh phí xây dựng Chương trình, sách giáo khoa mới theo Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại diện lãnh đạo các Bộ tham gia buổi làm việc.

Đối với xã hội hóa giáo dục, Đoàn giám sát đề nghị các Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục đồng bộ với các quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo về công tác phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết các vấn đề về tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn; tình trạng các địa phương dồn ghép điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục theo nhiều mô hình khác nhau.

Thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc.

Một số địa phương chịu áp lực yêu cầu mở rộng quy mô trường, lớp do gia tăng dân số cơ học; ngược lại một số địa phương có xu hướng giảm dân số trẻ dẫn tới thu hẹp quy mô trường, lớp; giải pháp trong việc phân bổ biên chế bảo đảm hợp lý giữa các địa phương…

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị các Bộ cho ý kiến về sự cần thiết quy định ngân sách riêng cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn cả nước; Trách nhiệm của các Bộ trong việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hạn chế, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; Công tác phối hợp của các Bộ trong ban hành các văn bản hướng dẫn về định mức kỹ thuật đối với thiết bị giáo dục; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn kinh phí do Chính phủ bố trí với nhu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-cho-giao-duc-dao-tao-chua-bao-dam-toi-thieu-20-tong-chi-ngan-sach-nha-nuoc-post245504.html