Châu Âu bất đồng trong quan điểm về nhiên liệu hạt nhân

Theo báo kinh doanh Vzglyad, ý tưởng cấm nhiên liệu hạt nhân từ Nga, cùng với lệnh cấm nhập khẩu than, dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, đã dẫn đến sự hình thành hai phe ở Liên minh châu Âu (EU).

Nhà máy điện hạt nhân tại Gundremmingen, miền Nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy điện hạt nhân tại Gundremmingen, miền Nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba Lan và Đức ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng cấm, còn Hungary và Pháp phản đối. Trong khi đó Mỹ - quốc gia cũng phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga, hoàn toàn không nêu ra chủ đề này.

EU đã chia thành hai phe đối lập trong cuộc thảo luận về lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân từ Nga. Cơ quan nghiên cứu Hill của Mỹ cho biết: “Ba Lan, Ireland, Estonia, Latvia, Lithuania và Đức đã khuyến nghị EU cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga để tránh tài trợ cho nước này".

Nguyên nhân nào khiến Ba Lan, Ireland, Estonia, Latvia, Lithuania và Đức đề xuất cấm nhiên liệu hạt nhân của Nga? Câu trả lời rất đơn giản - bởi họ không có năng lượng hạt nhân theo ý muốn của chính họ (Đức đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng trước cuối năm nay). Những nước này không có gì để mất.

Trong khi đó, ông Sergey Kondratiev, Phó trưởng Phòng kinh tế thuộc Viện Năng lượng và Tài chính Nga (IEF), cho biết: “Có một nhóm các quốc gia, đó là Slovakia, Bulgaria, CH Czech và Hungary, nơi lắp đặt các lò phản ứng do Liên Xô thiết kế, cùng với Phần Lan với các lò phản ứng được xây dựng theo các dự án kỹ thuật của Liên Xô. Họ không chỉ nhận được nhiên liệu hạt nhân từ Nga mà còn nhận được sản phẩm hoàn chỉnh về mặt công nghệ - tổ hợp nhiên liệu”.

Về mặt lý thuyết, các tổ hợp nhiên liệu của Nga có một giải pháp thay thế - đó là các tổ hợp nhiên liệu do công ty Westinghouse của Mỹ, có cơ sở sản xuất ở Thụy Điển, sản xuất. Chính công ty này đã thử nghiệm nhiên liệu của mình tại các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Ở Đông Âu, CH Czech có kinh nghiệm sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, động thái này lại không thành công. Sau một số sự cố, CH Czech đã từ chối nhiên liệu của Mỹ. Sau đó, các thử nghiệm tương tự không được thực hiện ở châu Âu, chuyên gia Kondratiev lưu ý.

Ông nói: “Chúng ta không biết chính xác các tổ hợp nhiên liệu của Mỹ hoạt động như thế nào tại các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Đã có thông tin về một số sự cố. Tuy nhiên trong hai hoặc ba năm qua, không có thông tin nào từ công ty Energoatom của Ukraine. Chúng ta không biết liệu điều này là do tính bí mật của thông tin hay do không có sự cố nào xảy ra”.

Trong mọi trường hợp, việc chuyển đổi sang nhiên liệu hạt nhân thay thế không phải là quá trình dễ dàng. Đầu tiên, cần phải xin chứng nhận nhiên liệu mới từ cơ quan quản lý quốc gia và điều này không thể diễn ra nhanh chóng. Thứ hai, đây là một quá trình phức tạp từ quan điểm công nghệ, không thể thực hiện ngay lập tức.

Ông Kondratiev lưu ý rằng: “Ban đầu, các nhà máy điện hạt nhân Ukraine áp dụng chế độ kết hợp, nghĩa là đồng thời nạp nhiên liệu do Nga, Mỹ sản xuất và quan sát cách chúng hoạt động. Sau đó, tỷ lệ nhiên liệu của Mỹ tăng dần. Có những đơn vị đã hoàn toàn chuyển sang hoạt động bằng nhiên liệu của Westinghouse”.

Ông nghi ngờ việc các nước Đông Âu hoặc Phần Lan sẽ quyết định chuyển từ nhiên liệu của Nga sang nhiên liệu của Mỹ chỉ trong một đêm vì sợ sự cố và tai nạn. Ông Kondratiev nói: “Do đó, nếu EU quyết định áp đặt lệnh cấm việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga. Điều này có nghĩa là một phần các lò phản ứng có thể phải đóng cửa ít nhất trong vòng 8-12 tháng”.

Thực tế là việc tiếp nhiên liệu thường diễn ra 18-24 tháng một lần. Trong trường hợp này, một phần nhiên liệu đã bị quá tải. Thời điểm và khối lượng nhiên liệu được nạp không phải là thông tin công khai. Nhưng nếu nhiên liệu cháy hết mà không được nạp và không có nơi nào để nạp nhiên liệu mới, thì điều này đồng nghĩa với việc các lò phản ứng phải ngừng hoạt động, chẳng hạn như vào mùa Hè tới.

Thời điểm dừng có thể tạm thời. Tuy nhiên đây có thể là một thách thức thực sự. Ngay cả giới chức châu Âu cũng thừa nhận rằng giai đoạn một năm rưỡi đến hai năm tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất đối với hệ thống năng lượng châu Âu.

Hungary, CH Czech, Phần Lan phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân chiếm hơn 30-40% tổng sản lượng điện ở các quốc gia này,” chuyên gia IEF giải thích.

Đề cập tới nguyên nhân Pháp cùng phe với Hungary và CH Czech, ông Kondratiev giải thích: “Ở Pháp, không có nguy cơ không có nhiên liệu phù hợp về công nghệ để nạp, nhưng có nguy cơ giá cả tăng cao. Nga là nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân lớn cho châu Âu. Ngay cả khi nhiên liệu Nga có thể được thay thế bằng nhiên liệu của Pháp hoặc Mỹ, điều này vẫn sẽ dẫn đến sự tăng giá. Giá uranium đã ở mức cao nhất trong 4-5 năm qua. Đối với Pháp, giá tăng cao là một vấn đề. Hơn 75% điện năng của Pháp là năng lượng hạt nhân. Và một phần đáng kể trong số đó được bán với mức giá ưu đãi 35 euro/megawatt giờ, thấp hơn từ 5-8 lần so với giá giao dịch. Chính phủ Pháp rất ủng hộ người dân và doanh nghiệp, do đó việc tăng chi phí sẽ là một bất ngờ khó chịu”.

Và như vậy, những quốc gia châu Âu vẫn duy trì năng lượng hạt nhân bất chấp những lời kêu gọi từ bỏ nó sau sự cố Fukushima, hiện đang đoàn kết.

Tuy nhiên, chuyên gia IEF tỏ ra nghi ngờ việc EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhiên liệu hạt nhân Nga. Bởi Brussels đang đi trước Mỹ trong vấn đề này và EU thường lặp lại các hạn chế do các đối tác ở phía bên kia đại dương áp đặt.

Trong khi đó, Mỹ cũng phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân từ Nga (khoảng 15%). Tuy nhiên, Mỹ có vẻ thực dụng hơn nhiều trong các biện pháp trừng phạt của mình. “Lệnh cấm cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga đã không được xem xét ngay cả ở cấp độ chính trị. Cả chính quyền và Bộ Năng lượng Mỹ đều không thảo luận điều này. Bởi vì họ hiểu rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến họ so với nhà cung cấp”, chuyên gia Kondratiev nói.

Ông Kondratiev cho biết, Nga có quan hệ chặt chẽ với Uzbekistan và Kazakhstan, vốn là cơ sở sản xuất nguyên liệu thô. Nga sản xuất ít uranium hơn so với Kazakhstan, quốc gia đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, các cơ sở chính để làm giàu và sản xuất nhiên liệu thành phẩm được đặt tại Nga. Chỉ một vài quốc gia trên thế giới có công nghệ như vậy. Đó là Mỹ, Anh, Pháp và Nga./.

Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chau-au-bat-dong-trong-quan-diem-ve-nhien-lieu-hat-nhan/269109.html