Chăm lo người lao động, tạo động lực phát triển

Ngày Quốc tế Lao động (1-5) là dịp để ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân (GCCN), khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của công nhân, người lao động (NLĐ) đối với sự phát triển của xã hội...

Từ buổi đầu đấu tranh cho tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội, đến nay, GCCN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuy nhiên, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần tiếp tục chăm lo xây dựng GCCN, NLĐ về mọi mặt. Nhân kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 / 1-5-2024), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

TS NHẠC PHAN LINH, Phó viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách lao động, việc làm

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, đất nước ta đã từng bước mở cửa hội nhập sâu rộng với quốc tế, thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, GCCN Việt Nam cũng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề, việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới, theo tôi, lực lượng lao động của chúng ta đông đảo, có sức trẻ nhưng còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Công nhân Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trong ca sản xuất. Ảnh: VŨ PHONG

Ví dụ như: Trình độ, kỹ năng nghề đã có tiến bộ nhưng chưa vượt trội; một bộ phận NLĐ chưa nhận thức đúng sự cạnh tranh việc làm về trình độ tri thức; môi trường làm việc ngày càng yêu cầu tăng cường sự tương tác, phối hợp và làm việc theo nhóm, tác phong công nghiệp chuyên nghiệp nhưng không ít NLĐ chưa có điều này... Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về đào tạo nghề, đào tạo chuyển đổi nghề; tạo thị trường lao động, việc làm ổn định, phát triển; xây dựng chính sách tiền lương theo hướng lương phải đủ sống cho cá nhân và gia đình NLĐ; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ...

HÀ PHƯƠNG (ghi)

----------------------------

Kỹ sư NGUYỄN NGỌC TIẾN, Hợp tác xã Đặc sản đồng rươi Đông Triều (Quảng Ninh): Chủ động các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tôi xuất thân từ gia đình nông thôn, lớn lên trở thành công nhân kỹ thuật chọn tạo giống cây trồng, sau đó phấn đấu trở thành kỹ sư nông nghiệp, gắn bó với ruộng đồng nên mỗi năm, cứ đến Ngày Quốc tế Lao động (1-5), cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Nhờ lòng yêu nghề, sau nhiều năm nghiên cứu, chọn tạo, tôi đã phục tráng ra các giống lúa mới: Khang Dân 18, Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Hồng Hương ĐT 128...

Ngày nhỏ, tôi hay được nghe câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” và thắc mắc tại sao “giống” lại không được đặt lên hàng đầu mà lại bị xếp hàng thứ tư? Liệu đó có phải là nguyên nhân dẫn đến một thời kỳ dài hiệu quả, năng suất nông nghiệp trong nước rất thấp? Đất nước ngày càng đổi mới, không còn thiếu lương thực, người dân từ chỗ ăn no nay quan tâm đến ăn ngon, “ăn khỏe” (tốt cho sức khỏe), do đó, giống cây trồng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến năng suất mà phải đặc biệt chú ý đến chất lượng. Điều đó là động lực thôi thúc tôi tìm ra các giống lúa năng suất, chất lượng.

Theo tôi, trong bất kỳ ngành nghề nào, để có thành công đều cần sự say mê. Tôi rất mong muốn sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ động được các yếu tố đầu vào, như: Giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp... không còn tình trạng manh mún, tự phát, chất lượng thấp để có thể xuất khẩu sản phẩm ra các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

THANH HUYỀN (ghi)

--------------------------------

Chị NGUYỄN THÚY NGA, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (Hải Dương): Cần chăm lo tốt người lao động

Là công nhân trực tiếp lao động sản xuất, Ngày Quốc tế Lao động (1-5) rất có ý nghĩa đối với chúng tôi, vì đó là ngày hội tôn vinh công nhân, NLĐ và là dịp NLĐ được nghỉ và hưởng nguyên lương. Bản thân tôi là công nhân kiểm hàng trong dây chuyền sản xuất dây dẫn điện ô tô của nhà máy đến nay là năm thứ 4, tính cả tăng ca, lương của tôi được hơn 10 triệu đồng/tháng. Do sống ở nông thôn, lại được làm việc gần nhà nên khoản thu nhập này bảo đảm cho tôi đời sống ở mức khá...

Hằng năm, Công ty có chế độ cho chúng tôi đi tham quan, du lịch 2-3 ngày; mỗi năm có hai đợt thưởng một tháng lương cơ bản là dịp Tết Nguyên đán và Ngày Quốc khánh 2-9. Đồng thời, mỗi tháng, tùy từng trường hợp đều được Công ty hỗ trợ tiền xăng xe, nhà ở từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng, ai không có phương tiện đi làm thì được hỗ trợ xe đạp.

Vào dịp Tết, những người ở xa được Công ty tổ chức xe đưa, đón về quê... Tôi được biết, ở nhiều khu công nghiệp, không ít công nhân xa nhà vẫn phải thuê chỗ ở chật hẹp, tạm bợ, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, không bảo đảm; việc khám bệnh, học hành của con trẻ còn rất khó khăn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp còn khoán tăng sản phẩm khiến công việc làm theo dây chuyền rất mệt mỏi. Tôi mong rằng những hạn chế này sớm được khắc phục.

PHAN LƯƠNG (ghi)

--------------------------------

Cô giáo PHAN THỊ ANH THƠ, Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (Long An): Cơ chế đặc thù với lao động đặc biệt

Là một giáo viên có 24 năm gắn bó với nghề, bản thân tôi ý thức nghề giáo là một nghề lao động đặc biệt. Chừng ấy năm có biết bao thăng trầm, buồn vui chuyện nghề, nhưng mỗi lần nhìn thấy những lứa học sinh của mình trưởng thành, tôi luôn cảm thấy tự hào. Công việc của một giáo viên tiểu học không hề đơn giản, ngoài truyền thụ kiến thức, đó còn là việc dạy dỗ các em biết lễ phép, biết thương yêu, quý mến mọi người... Ý thức rõ nghề nghiệp của mình, mỗi giáo viên chúng tôi luôn chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời thường xuyên tự tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp. Xã hội ngày càng phát triển, nghề giáo viên vẫn là một nghề cao quý được cả xã hội quan tâm.

Tuy vậy, nhiều giáo viên gắn bó, yêu nghề nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều giáo viên mong muốn Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương có cơ chế đặc thù, quan tâm hơn nữa để động viên đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

BIỆN CƯỜNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/cham-lo-nguoi-lao-dong-tao-dong-luc-phat-trien-775049