Cẩn trọng khi nhận cầm, giữ, vận chuyển hộ tài sản cho người khác

Vụ việc 4 nữ tiếp viên của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vận chuyển hàng hóa có chứa ma túy từ Pháp vào Việt Nam đang gây xôn xao dư luận. Hiện Công an TP.HCM đang điều tra, làm rõ vụ việc. Nhân vụ việc này, một vấn đề đặt ra là người dân cần cẩn trọng khi xách, cầm, giữ hộ tài sản, đồ vật của người lạ tại nơi công cộng, nhất là trong các chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay.

Cẩn trọng khi xách, cầm, chuyển hộ hàng hóa cho người khác tại nơi công cộng. Đồ họa: ĐỖ QUYÊN

* Tỉnh táo trước lời đề nghị nhờ xách đồ

Tội phạm thường lợi dụng sự mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin, lòng tốt của người dân tại những nơi công cộng (bến xe, bến tàu) để nhờ cầm, giữ hoặc vận chuyển, chuyển hộ hàng hóa, đồ vật thuộc dạng hàng cấm, lậu, nguy hiểm cháy nổ… Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát giác thì bản thân người giúp khó tránh khỏi những rắc rối.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, việc cầm, giữ hộ, vận chuyển, chuyển giao những hàng hóa, đồ vật cho người khác mà hàng hóa đó, đồ vật đó được liệt vào danh mục hàng cấm, hàng lậu… từ nước ngoài vào nội địa hoặc ngược lại, hay trong nội địa là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, chế tài. Tuy nhiên, pháp luật không phải lúc nào cũng hình sự hóa trách nhiệm người nhận cầm, giữ, vận chuyển, chuyển giao hộ mà nó tùy thuộc vào việc họ có biết đó là hàng hóa gì khi nhận lời, lẫn số lượng, loại hàng hóa nhận cầm, giữ, vận chuyển, chuyển giao hộ... Lúc này, trách nhiệm chứng minh người cầm, giữ, chuyển giao hàng hóa hộ có phải tội phạm hay không, xử lý ra sao phải do các cơ quan tố tụng thực hiện.

Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, từ vụ 4 tiếp viên hàng không nêu trên, việc cơ quan chức năng dù khởi tố vụ án nhưng tạm thả tự do cho 4 nữ tiếp viên khi nhận thấy chưa có cơ sở, chứng cứ, tài liệu chứng minh, truy cứu trách nhiệm hình sự là thực hiện đúng với Điều 13, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (về suy đoán vô tội). Theo đó, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Luật sư Lưu Hồng Khanh cho biết thêm, người cầm, giữ, chuyển giao, vận chuyển hộ hàng hóa bị cấm được xem là tội phạm nếu hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 8, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, đó phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 phải bị xử lý hình sự.

* Tốt nhất không nên cầm, giữ hộ...

Mặc dù việc cầm, giữ hộ, vận chuyển, chuyển giao hàng hóa hộ người khác không có gì sai trái; lại còn được xem là nghĩa cử đẹp nếu người cầm, giữ, vận chuyển, chuyển giao hộ biết chắc chắn rằng đó là hàng hóa thông thường, việc làm đó đúng với quy định pháp luật. Tuy nhiên, một khi nhận giúp đỡ người khác mà không biết hoặc không thể nhận biết đó là hàng gì hoặc nghi ngờ đó là hàng hóa bị cấm lưu hành, hàng gian, giả, lậu, ma túy thì thẳng thừng từ chối để tránh vạ lây.

Theo luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh), người dân muốn biết việc cầm, giữ, vận chuyển hộ của mình được hay không được phép cần đối chiếu với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, xem đó có phải là hàng hóa cấm kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa nhập lậu hay không.

Luật gia Vòng Khiềng hướng dẫn, đối với các loại hàng hóa mà pháp luật quy định không được phép nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc các loại hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam nhưng phải tuân thủ quy định về khai báo hải quan, dán tem nhập khẩu... hoặc quy định hạn chế về số lượng mà các cá nhân, tổ chức không tuân thủ vẫn cố ý mang về Việt Nam thì đây được xác định là hàng nhập lậu. Do đó, việc cầm, giữ, vận chuyển hộ các loại hàng này là vi phạm pháp luật nên người dân phải thẳng thừng từ chối, có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để ngăn chặn, xử lý.

“Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như: có hóa đơn chứng từ kèm theo rõ ràng; không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật” - luật sư LƯU HỒNG KHANH (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/can-trong-khi-nhan-cam-giu-van-chuyen-ho-tai-san-cho-nguoi-khac-3161541/