Cần thay đổi phong tục trả sính lễ trong hôn nhân truyền thống người S'tiêng - Bài cuối

Bài cuối:
XÓA BỎ NHỮNG PHONG TỤC
KHÔNG CÒN PHÙ HỢP

Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

BPO - Trong xã hội truyền thống, phong tục chia thịt cưới cho cộng đồng là nét văn hóa của người S’tiêng. Khi thị trường hàng hóa, chăn nuôi chưa phát triển, việc khai thác nguồn thực phẩm từ tự nhiên còn hạn chế, không được thường xuyên, hằng ngày đồng bào không giết mổ động vật để ăn thịt, trao đổi mua bán, chỉ khi có sự kiện quan trọng như: phát rẫy, dọn rẫy, tỉa lúa, thu hoạch lúa, cúng lúa, cưới xin... mới giết mổ heo, trâu để chia sẻ cho cộng đồng và một phần tích trữ. Vì vậy, thực phẩm (thịt) có được từ lễ cưới có ý nghĩa quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần, nên nhu cầu giết mổ nhiều con vật trong lần cưới xin là vấn đề cần thiết.

Tuy nhiên, ngày nay chăn nuôi phát triển, thị trường hàng hóa, thực phẩm phong phú, đa dạng nên việc giết mổ 10 con heo, thậm chí cả con trâu, bò trong một lễ cưới để ăn, chia cho 2 bên dòng họ, người làm chứng, những người đến dự là hết sức lãng phí. Thậm chí việc giết mổ thịt, phân chia thịt, tổ chức ăn uống thiếu vệ sinh. Thức ăn mang về chủ yếu được phơi, bỏ tủ lạnh để lâu ngày mất mùi vị, hư hỏng… rất lãng phí và ảnh hưởng sức khỏe.

Không nên xem sính lễ như một phần thu nhập

Trong xã hội truyền thống, hôn nhân theo hình thức gả bán ảnh hưởng rất lớn đến danh dự cô gái và con cháu đời sau của cô gái (nguyên tắc tính sính lễ theo hôn nhân của người mẹ). Một trong những nguyên nhân cha mẹ gả bán con gái (ngày nay vấn đề gả bán con gái đã không còn) là do tập quán xem sính lễ từ con gái là tài sản, nguồn thu nhập quan trọng của gia đình. Vì vậy, khi cha mẹ gặp khó khăn về kinh tế, cần của cải để trả nợ, cưới vợ cho anh hoặc em trai… cha mẹ gả bán con gái, có khi từ lúc con chưa trưởng thành.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện giảm nghèo cho đồng bào DTTS tại UBND huyện Bù Gia Mập năm 2022

Qua thực tế tham dự nhiều lễ hỏi, cưới, hiện nay nhiều cha mẹ nhà gái vẫn theo phong tục, lấy nguyên tắc “mẹ cô gái được cưới như thế nào thì con gái họ cũng phải được cưới như thế”. Đây là một lực cản rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với người S’tiêng và M’nông. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 2.830 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 58,09% tổng số hộ nghèo của tỉnh (4.872 hộ nghèo), đây là một thách thức lớn cho các địa phương. Tại Kết luận số 380-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ thực trạng đồng bào DTTS: “trình độ dân trí chưa cao, phong tục, tập quán còn lạc hậu, chậm được khắc phục”.

Cần hiểu đúng giá trị văn hóa truyền thống

Văn hóa là một khái niệm rộng, do cách tiếp cận khác nhau nên có khá nhiều khái niệm về văn hóa. Định nghĩa về văn hóa của nhà nhân học người Anh Edward Bemett Tylor (1832-1917) trong cuốn “Primitive Culture: Văn hóa nguyên thủy” vào năm 1871, được xem là định nghĩa đầu tiên về văn hóa: “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, là một chỉnh thể phức hợp gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác con người đạt được với tư cách là thành viên của xã hội" (E.B Tylor, 2000, tr.13).

Theo Từ điển Văn hóa, Tín ngưỡng, Phong tục (2009): “Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác (tr.1017). Tuy nhiên, truyền thống phải nhìn cả 2 mặt, không phải cái gì cũng tốt, có giá trị. Truyền thống tốt đẹp, có giá trị là những nét đẹp trong văn hóa tộc người, phù hợp với chuẩn mực xã hội, có tác động thúc đẩy sự phát triển xã hội. Truyền thống xấu là những gì lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tộc người. Vì vậy, phong tục trả sính lễ theo hôn nhân truyền thống của người S’tiêng phải được nhìn nhận phù hợp với thực tiễn xã hội.

Phát huy giao lưu và tiếp biến văn hóa

Trong xã hội truyền thống, nguyên nhân sâu xa “sính lễ cao” trong hôn nhân của người S’tiêng (xã hội phụ hệ) có thể được đề cập trước hết là do không gian cư trú (làng) của người S’tiêng tương đối biệt lập, điều kiện đi lại khó khăn nên nếu cưới được một cô gái trong làng thì sẽ thuận lợi cho hai gia đình, không lo sợ về “ma lai”, “ngải độc”, lây bệnh phong; thứ hai là để ràng buộc hôn nhân, vợ chồng không dám vi phạm luật tục (ngoại tình, ly hôn); thứ ba là nhằm đền đáp công lao cha mẹ. Hiện nay, các yếu tố này đã có sự thay đổi cơ bản, nhất là về không gian cư trú, “ma lai”, “ngải độc”, lây bệnh phong.

Qua khảo sát thấy rằng, có thể do giao lưu văn hóa ngày càng phát triển, do sính lễ trong hôn nhân còn cao nên từ năm 2000 trở lại đây, hiện tượng người S’tiêng kết hôn với người Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường... vốn là những tộc người có sự cách xa về địa lý, văn hóa với người S’tiêng rất phổ biến.

Năm 2020, qua khảo sát tại nhiều thôn có đông người S’tiêng sinh sống, người S’tiêng lấy tộc người khác khá phổ biến, như: thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có 424 hộ/1.749 khẩu thì 22 trường hợp người S’tiêng kết hôn với tộc người khác. Thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập có 368 hộ/1.797 khẩu (người S’tiêng 265 hộ/1.258 khẩu) thì có 12 trường hợp người S’tiêng kết hôn với tộc người khác. Thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng có 500 hộ/2.460 khẩu thì có 3 nam S’tiêng lấy vợ người Kinh, 1 nữ S’tiêng lấy chồng người Khmer, 8 nữ S’tiêng lấy chồng người Kinh. Tại thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long, trong hơn 20 năm gần đây, có 17 trường hợp kết hôn với người Kinh, Khmer, Tày, Nùng, K’ho, ChơRo (trong và ngoài tỉnh); 27 trường hợp kết hôn với người khác địa phương.

Đặc biệt, kết quả khảo sát tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước, trong năm học 2019-2020, toàn trường có 138 em học sinh là người S’tiêng (103 em nữ), trong đó 21 trường hợp học sinh người S’tiêng có cha và mẹ khác dân tộc. Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bù Gia Mập, năm học 2019-2020, toàn trường có 148 học sinh là người S’tiêng thì 12 trường hợp có cha và mẹ khác dân tộc.

Để xóa dần những phong tục không còn phù hợp, các địa phương, nhất là cấp huyện và xã phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ. Kết quả khảo sát tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước cho thấy quan niệm về sính lễ trong cưới hỏi của người S’tiêng đã có những thay đổi: chỉ có 6,7% học sinh nam trả lời thích nhà trai gửi lễ theo truyền thống (1/15), 60% lựa chọn phương án không thích giao lễ theo truyền thống (9/15 học sinh), 33,3% em có suy nghĩ khác (5/15 em). Đối với 33 em nữ thì 5 em thích (15,2%), 9 em không thích (27,3%), 19 em có suy nghĩ khác (57,6%). Khi hỏi về việc nhà gái không nên đòi sính lễ theo truyền thống thì 9 em nam trả lời đồng ý (60%), 3 em trả lời nên đòi sính lễ (20%), 3 em suy nghĩ khác (20%); đối với nữ, có 11 em đồng ý không nên đòi sính lễ (33,3%), 7 em muốn đòi sính lễ (21,2%), 15 em có suy nghĩ khác (45,5%). Dù sính lễ trong hôn nhân có giá trị tích cực riêng của nó (yếu tố ràng buộc hôn nhân, một phần là sự đền đáp công lao của cha mẹ) nhưng phải nhìn cả hai mặt, theo hướng tích cực cho phù hợp với thực tiễn xã hội.

Thứ hai là phát triển mạnh kinh tế gia đình, kinh tế nhà gái khá giả là yếu tố quan trọng để nhà gái thay đổi việc nhận sính lễ. Không ít gia đình nhà gái đã cho con gái đất để làm nhà ở, vườn, vốn phát triển kinh tế. Thứ ba là tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa để đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, xóa dần tập quán lạc hậu. Thứ tư là tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với hôn nhân và gia đình, đặc biệt là những điều cấm liên quan đến “Yêu sách của cải trong kết hôn” (khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Thứ năm là phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cấp huyện và xã; vai trò của chi bộ, trưởng thôn, ấp, già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi phong tục trả sính lễ theo nguyên tắc truyền thống.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139682/can-thay-doi-phong-tuc-tra-sinh-le-trong-hon-nhan-truyen-thong-nguoi-s-tieng-bai-cuoi