Cần nắm vững kỹ năng thoát nạn từ các nhà cao tầng

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, trong trường hợp xảy ra cháy nổ, người dân cần chủ động, bình tĩnh để xử lý tình huống, đồng thời cần tìm hiểu nắm vững các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và kỹ năng thoát nạn từ các nhà cao tầng.

Cứu người dân tại vụ cháy ở Khu đô thị Xa La, Hà Đông tối 11/10. Ảnh Cảnh sát PCCC Hà Nội cung cấp

Trong gần một tháng qua (từ ngày 16/9/2015 đến ngày 11/10/2015) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ tại tòa nhà chung cư cao tầng gây thiệt hại lớn về tài sản và làm hoang mang, lo sợ cho người dân. Mới xảy ra gần nhất là vụ cháy tại tòa CT4A, khu đô thị Xa La, quận Hà Đông vào tối ngày 11/10/2015.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, an toàn PCCC đối với các công trình nhà cao tầng nói chung và chung cư cao tầng nói riêng là một yêu cầu hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kiến trúc cao tầng đang phát triển mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội.

Thực tế hiện nay, các công trình nhà cao tầng, tòa nhà chung cư luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ xảy ra. Để xử lý sự cố cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn tại chung cư cao tầng, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội khuyến cáo chủ hộ gia đình và người dân nắm vững những kỹ năng khi có sự cố xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là tại các chung cư cao tầng.

Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải báo động cháy bằng cách hô hoán hoặc ấn nút báo cháy, sau đó khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy để dập lửa và gọi cho cứu hỏa theo số điện thoại: 114.

Sử dụng các phương tiện sẵn có để dập tắt đám cháy. Nếu không chữa cháy được thì tìm lối thoát nạn nhanh nhất có thể.

Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn “EXIT – LỐI RA” hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy.

Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

Trong trường hợp nếu phải băng qua lửa, người dân hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.

Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần, sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi.

Nếu phải mở cửa, kể cả cửa nhà, cửa thoát hiểm, cần nhớ kỹ: Kiểm tra nhiệt độ trước khi mở; khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa; nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở; nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán chặt. Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác.

Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ vì ở đó thường hay lắp ống thoát hiểm, ròng rọc cá nhân hay xe thang của lực lượng PCCC chĩa vào để cứu người. Từ đây hãy gọi to; dùng khăn, áo sáng màu hoặc đèn pin, điện thoại có phát sáng... ra hiệu cho lực lượng Cảnh sát PCCC biết.

Trong khi chờ lực lượng PCCC hãy dùng các phương tiện có sẵn như: Kìm cắt cửa, dây đai thoát nạn, ống thoát hiểm ... để thoát ra.

Trường hợp nếu người dân ở tầng thấp (từ tầng 6 trở xuống) và có nệm hơi cứu hộ ở dưới thì có thể (ra hiệu cho bên dưới chuẩn bị và nhảy xuống).

Gia Huy/Chinhphu.vn

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/can-nam-vung-ky-nang-thoat-nan-tu-cac-nha-cao-tang.html