Cấm vận hàng không

Thế giới trong tuần này chấn động vì vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống, Ngoại trưởng và một số quan chức cấp cao Iran thiệt mạng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Chiếc máy bay xấu số lại có xuất xứ từ Mỹ, quốc gia đối đầu với Iran.

Chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất có tuổi đời lên đến hàng chục năm đã đâm xuống vùng đồi núi hôm 19/5 trong điều kiện thời tiết có sương mù dày đặc. Tất cả những người trên máy bay gồm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và 7 quan chức và tùy tùng không có ai sống sót.

Hiện giới chức Iran vẫn chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn, trong khi quân đội nước này đang điều tra thảm kịch. Điều đáng chú ý là vụ tai nạn này đã tiếp tục nối dài danh sách các sự cố hàng không gây chết người nghiêm trọng tại Iran trong những năm qua.

Theo Cơ quan lưu trữ số liệu các vụ tai nạn máy bay B3A có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ), từ năm 1979 đến 2023 tại Iran đã xảy ra tới 253 vụ tai nạn máy bay, khiến tổng cộng 3.335 người thiệt mạng. Thống kê này khiến Iran trở thành quốc gia có tỷ lệ tai nạn trong ngành hàng không cao hàng đầu thế giới.

Nhiều vụ tai nạn hàng không trong khoảng thời gian này ở Iran liên quan đến các máy bay có xuất xứ từ Mỹ. Trong đó có vụ chiếc Boeing 727-100 của Iran Air đâm vào ngọn núi ở dãy Alborz ngày 21/1/1980 khiến toàn bộ 128 người thiệt mạng.

Ngày 3/11/1986, một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của không quân Iran lao vào sườn núi tỉnh Sistan và Baluchistan khiến 103 người chết.

Ngoài ra còn hàng loạt vụ tai nạn máy bay khác ở Iran là các máy bay do Liên Xô và Nga sản xuất. Điểm chung của nhiều vụ tai nạn này là đều liên quan đến lỗi kỹ thuật hay thiết bị hoạt động không đúng chức năng.

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran và ảnh hưởng nặng nề đến đội bay của nước này, đặc biệt là các máy bay do Mỹ sản xuất.

Lệnh cấm vận duy trì suốt 45 năm qua khiến Iran không thể nhập khẩu bất kỳ máy bay hoặc thiết bị bay nào được sản xuất với tỷ lệ hơn 10% linh kiện có xuất sứ từ Mỹ.

Điều này đã loại trừ khả năng Iran có thể mua máy bay hoặc trực thăng mới từ phương Tây. Nước này cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các linh kiện thay thế cho các máy bay xuất xứ Mỹ trong đội bay của mình.

Bối cảnh trên khiến đội bay cả dân sự và quân sự của Iran ngày càng trở nên cũ kỹ lạc hậu mà không có thiết bị thay thế để đảm bảo an toàn. Kết quả là trong những năm 1980, 1990 và 2000, số vụ tai nạn hàng không gây chết người ở Iran đã liên tục tăng vọt.

Tính đến tháng 4/2019, 23 hãng hàng không dân sự của Iran đang vận hành 156 trên tổng số 300 máy bay có nguồn gốc từ phương Tây. Điều này đồng nghĩa có đến hơn một nửa số máy bay chở khách ở Iran hiện nay gặp vấn đề trong việc mua mới các thiết bị và linh kiện để thay thế. Khi máy bay gặp sự cố sẽ rơi vào tình trạng không thể sửa chữa trong nước nhưng cũng không thể gửi ra nước ngoài xử lý.

Năm 2015, lệnh trừng phạt hàng không của Mỹ với Iran từng được nới lỏng sau khi hai bên đạt thỏa thuận về hạt nhân. Nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump năm 2018, lệnh trừng phạt lại được tái áp đặt khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điều này lại tiếp tục đặt cả ngành hàng không Iran rơi vào tình trạng thách thức trong quá trình vận hành như mấy chục năm trước đó.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-van-hang-khong-post684279.html