Các khu xử lý rác phải tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt của các địa phương

Tại buổi làm việc mới đây với các chủ đầu tư khu xử lý (KXL) chất thải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu phải khắc phục các tồn tại, đảm bảo các yêu cầu về xây dựng và môi trường để tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt cho địa phương.

Lò đốt rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Ảnh: L.Mai

Thời hạn đến tháng 7-2024, nếu nhà đầu tư vẫn không thực hiện dự án thì tỉnh sẽ có phương án xử lý.

* Còn 4 KXL chất thải nhận rác, áp lực lớn

Từ nhiều năm trước, tỉnh đã quy hoạch 9 KXL chất thải. Hầu hết các địa phương đều có KXL nhằm đảm bảo xử lý hết rác thải phát sinh, hạn chế phải chở rác đi xa. Sau đó, 2 KXL rác phải ngưng hoạt động do không đảm bảo vệ sinh môi trường và gần khu dân cư.

Đến năm 2018, khi tỉnh áp dụng quy định đấu thầu xử lý rác sinh hoạt hàng năm thì chỉ còn 4 KXL tham gia tiếp nhận rác sinh hoạt cho các địa phương là: Quang Trung (huyện Thống Nhất), Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) và Túc Trưng (huyện Định Quán). Số lượng KXL rác giảm gần một nửa, trong khi khối lượng rác ngày một tăng đã dẫn đến áp lực cho các KXL đang hoạt động.

Bà Trần Thị Thúy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Quang Trung, cho biết do tiếp nhận và xử lý khối lượng rác gấp nhiều lần công suất được duyệt ban đầu trong thời gian dài nên quỹ đất chôn lấp chất thải trơ hết nhanh. Công ty đã nhiều lần báo cáo và cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KXL.

Đồng Nai hiện có 4 khu đang nhận rác sinh hoạt là: Quang Trung 1,2 ngàn tấn/ngày, Vĩnh Tân 450 tấn/ngày, Túc Trưng 110 tấn/ngày và Xuân Tâm 90 tấn/ngày.

Cũng theo bà Thúy, việc cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch nói trên sẽ góp phần gia tăng công suất và thời gian tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt, nhưng chưa thể có hiệu quả tức thời. Trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục liên quan và đầu tư xây dựng ô chôn lấp mới, KXL phải thực hiện giảm công suất tiếp nhận rác. Vì vậy, công ty kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các KXL rác khác tham gia tiếp nhận rác.

Theo bà Quách Ngọc Bửu, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi, chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Vĩnh Tân, thời gian qua, KXL hoạt động hết công suất 450 tấn/ngày. Nếu tiếp tục duy trì công suất này, khoảng 2 năm nữa KXL sẽ không còn đất chôn lấp chất thải trơ. Cũng theo bà Bửu, để duy trì hoạt động của KXL cũng như mở rộng đầu tư giai đoạn 2 kết hợp chuyển đổi công nghệ xử lý như mục tiêu dự án ban đầu, công ty kiến nghị bổ sung 10 hécta cho dự án này. 2 KXL còn lại đang tiếp nhận rác thải sinh hoạt là Túc Trưng và Xuân Tâm có công suất không đáng kể, khoảng 200 tấn/ngày.

Để giảm áp lực cho các KXL đang hoạt động, Sở Tài nguyên và môi trường đề xuất phương án tạm thời đưa rác thải về các KXL rác vẫn còn ô chôn lấp; cho địa phương đấu thầu xử lý rác sinh hoạt bằng cả 3 phương pháp: đốt, chôn lấp hợp vệ sinh và compost trong năm 2024 (không áp dụng tỷ lệ chôn lấp dưới 15%).

* Trách nhiệm của nhà đầu tư

KXL chất thải ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) do Công ty TNHH Tài Tiến làm chủ đầu tư là một trong 3 khu đang ngừng tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt nhiều năm nay.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông La Quốc Cường, đại diện Công ty TNHH Tài Tiến, đồng ý từ tháng 7-2024 sẽ tham gia đấu thầu tiếp nhận rác sinh hoạt của huyện Trảng Bom (khoảng 180 tấn/ngày) khi đã hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng đúng quy định pháp luật. Ông Cường cũng kiến nghị tỉnh xem xét lại đơn giá trần xử lý rác bởi đơn giá bằng năm 2018 là chưa phù hợp, bời vì các chi phí đều đã tăng. Công ty cũng kiến nghị bổ sung phương pháp xử lý đốt kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh vào hồ sơ mời thầu để đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho hay, Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh phê duyệt cuối năm 2023 đã đề ra lộ trình năm 2026 đưa vào hoạt động 4 dự án xử lý rác phát điện nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. Theo đó, KXL Vĩnh Tân công suất 1,2 ngàn tấn/ngày, hiện cơ bản xong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường. KXL Túc Trưng công suất 700-1.000 tấn/ngày, đang điều chỉnh chủ trương đầu tư. KXL Bàu Cạn công suất 1,5 ngàn tấn/ngày, đang trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng để triển khai dự án. Cuối cùng là KXL Quang Trung công suất khoảng 400-600 tấn/ngày, chưa có thời gian cụ thể.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các nhà đầu tư được tỉnh giao đất nhưng không thực hiện dự án đúng tiến độ và thời hạn cam kết để tiếp nhận, xử lý chất thải cho địa phương buộc phải có biện pháp xử lý, có thể thu hồi dự án để mời gọi nhà đầu tư khác. Trường hợp gặp khó khăn trong quá trình triển khai thì báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời. KXL chất thải Quang Trung duy trì nhận rác sinh hoạt công suất 1,2 ngàn tấn/ngày đến hết tháng 7-2024. Từ nay đến năm 2026, vừa nghiên cứu bổ sung công nghệ đốt rác phát điện, vừa thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 để sớm đưa vào vận hành các ô chôn lấp chất mới.

3 KXL đang ngừng nhận rác: Tây Hòa (huyện Trảng Bom), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Bàu Cạn (huyện Long Thành) phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường để tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt cho địa phương. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện rác.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/cac-khu-xu-ly-rac-phai-tiep-nhan-xu-ly-rac-sinh-hoat-cua-cac-dia-phuong-34e6311/