BYD thách thức đối thủ bằng xe công nghệ hybrid mới: Đi 2.100km với mỗi lần sạc và bình xăng đầy
BYD vừa giới thiệu phiên bản mới và cải tiến của công nghệ plug-in hybrid với hy vọng sẽ khuyến khích việc áp dụng rộng rãi hơn ô tô điện tại Trung Quốc, tăng áp lực lên các nhà sản xuất xe hơi truyền thống như Volkswagen (Đức) và General Motors (Mỹ).
BYD, hãng chế tạo ô tô điện bán chạy nhất thế giới được hỗ trợ bởi tập đoàn Berkshire Hathaway (Mỹ) của tỷ phú Warren Buffett (93 tuổi), cho biết hai mẫu xe Qin L và Seal 06 được trang bị công nghệ DM (dual model) mới nhất, có thể đi được quãng đường tối đa 2.100km trong mỗi lần sạc và một bình xăng đầy. Pin được sử dụng để cung cấp năng lượng cho phiên bản cơ bản của Qin L và Seal 06 có phạm vi lái xe lên tới 80km.
BYD tuyên bố Qin L và Seal 06 có mức tiêu hao nhiên liệu thấp kỷ lục: 2,9 lít/100km đến khi cạn pin. Để so sánh, một chiếc xe plug-in hybrid thông thường sử dụng 3 đến 5 lít xăng cho mỗi 100km di chuyển.
Xe plug-in hybrid (PHEV), hay còn gọi là xe hybrid sạc điện, sử dụng kết hợp cả động cơ đốt trong và động cơ điện giống như xe hybrid thông thường. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính so với xe hybrid thông thường là PHEV có thể được sạc điện trực tiếp từ nguồn điện bên ngoài thông qua phích cắm, giúp tăng phạm vi di chuyển bằng điện. Điều này vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm phát thải khí nhà kính so với các ô tô chỉ sử dụng động cơ đốt trong.
Theo BYD, các mẫu xe mới có thể tiết kiệm cho chủ sở hữu chi phí nhiên liệu hàng năm là 9.682 nhân dân tệ (1.336 USD) so với ô tô chạy xăng.
DM là thế hệ công nghệ thứ năm được BYD phát triển kể từ khi hãng này ra mắt chiếc xe plug-in hybrid đầu tiên là F3 vào năm 2008.
BYD cho biết Qin L và Seal 06 (trang bị công nghệ plug-in hybrid mới) sẽ tiên phong giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa trên các con đường ở Trung Quốc.
Công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) tuyên bố: “Chúng sẽ đặt ra thách thức lớn với ô tô chạy bằng xăng, trở thành tiêu chuẩn mới cho các mẫu xe cỡ trung. Chúng sẽ mang đến cho người tiêu dùng trẻ một lựa chọn mới khi họ theo đuổi những chiếc ô tô sử dụng năng lượng mới chất lượng cao”.
Cả Qin L và Seal 06 đều là mẫu sedan cỡ trung sẽ cạnh tranh với những mẫu ô tô như Sagitar của Volkswagen và Corolla của Toyota (Nhật Bản), vốn chạy bằng động cơ xăng.
Phiên bản cơ bản của Qin L và Seal 06 đều có giá 99.800 nhân dân tệ, so với 127.900 nhân dân tệ của Sagitar và 116.800 nhân dân tệ của Corolla.
Eric Han, quản lý cấp cao của công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, cho biết: “Các mẫu xe mới của BYD sẽ là mối đe dọa lớn với những gã khổng lồ sản xuất ô tô ở Trung Quốc. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến ngân sách sẽ xem các mẫu xe hybrid và xe điện thuần túy của BYD là lựa chọn hàng đầu vì chúng hấp dẫn về giá cả và khả năng tiết kiệm nhiên liệu”.
Hiện tại, cứ 10 chiếc ô tô mới lưu thông trên đường ở Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, thì có 4 chiếc chạy bằng pin.
Volkswagen, nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất ở Trung Quốc, đã giao 3,2 triệu xe (phần lớn chạy bằng xăng) cho khách hàng quốc gia châu Á này vào năm 2023, tăng 1,6% so với 2022.
Volkswagen suýt đánh bại BYD, hãng đã cung cấp gần 3 triệu ô tô chạy bằng pin ở Trung Quốc vào năm 2023.
Wang Chuanfu, người sáng lập và Chủ tịch BYD, phát biểu tại một hội nghị các nhà đầu tư vào tháng 3 rằng công ty này đang nhắm mục tiêu doanh số 3,6 triệu chiếc vào 2024, tăng 20% so với năm ngoái. Mức tăng dự kiến năm 2024 của BYD sẽ chỉ bằng 1/3 mức tăng 62,3% được ghi nhận vào 2023.
Hồi tháng 2, BYD đã kích hoạt cuộc chiến giá xe điện ở Trung Quốc, giảm giá gần như tất cả các loại ô tô của mình từ 5 đến 20%.
Ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết trong một báo cáo rằng kể từ đó, giá của 50 mẫu ô tô điện Trung Quốc thuộc nhiều thương hiệu khác nhau đã giảm trung bình 10%.
Goldman Sachs cho biết lợi nhuận ròng của BYD có thể bằng 0 nếu đưa ra mức giảm giá 10.300 nhân dân tệ (1.421 USD) cho mỗi chiếc ô tô điện. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giá leo thang ở Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp đang phát triển nhanh này.
“Nếu một đợt giảm giá 10.300 nhân dân tệ nữa diễn ra (phù hợp với giả định của chúng tôi với BYD), chúng tôi ước tính lợi nhuận chung của ngành ô tô điện Trung Quốc có thể chuyển sang âm vào năm 2024”, Goldman Sachs nhận định.
Goldman Sachs cho biết mức giảm giá 10.300 nhân dân tệ tương đương 7% giá bán trung bình của BYD cho ô tô điện hãng này. BYD chủ yếu sản xuất các mẫu ô tô điện bình dân có giá từ 100.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ.
Trung Quốc là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu. Tuy nhiên, ngành ô tô điện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái do nền kinh tế tăng trưởng chậm và người tiêu dùng không muốn chi tiêu cho những mặt hàng có giá trị lớn.
Hiện chỉ một số nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có lãi, chẳng hạn BYD và thương hiệu cao cấp Li Auto, trong khi hầu hết công ty vẫn chưa hòa vốn.
Cuộc chiến về giá giữa các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang lan rộng ra thị trường nước ngoài. Hơn 12 công ty Trung Quốc tìm cách bán ô tô điện ở nước ngoài để tăng doanh số và theo đuổi lợi nhuận cao hơn để bù lỗ trong nước.
Ở Đông Nam Á, nơi ô tô điện (chạy bằng pin) ngày càng trở nên phổ biến, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc từ gã khổng lồ như BYD và Great Wall Motor cho đến công ty khởi nghiệp như Hozon New Energy Automobile đang giảm giá nhằm cạnh tranh với các đối thủ từ Nhật Bản có xe hơi chạy bằng xăng chiếm lĩnh thị trường.
Jacky Chen, Tổng giám đốc Jetour Auto International - công ty con của Chery (tập đoàn sản xuất ô tô khổng lồ nhà nước Trung Quốc), cho biết: “Cạnh tranh về giá cả đang ngày càng gay gắt ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc vì ngày càng nhiều công ty nhận ra tỷ suất lợi nhuận cao ở nước ngoài có thể giúp họ giảm thua lỗ hoặc cải thiện thu nhập khi hiện nay rất khó kiếm được lợi nhuận trong nước do cuộc chiến giảm giá. Đây không phải là một dấu hiệu tốt cho các công ty ô tô Trung Quốc khi chúng tôi đang phải đẩy nhanh tốc độ vươn ra thị trường quốc tế”.
Ông nói thêm rằng sự cạnh tranh về giá giữa các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc sẽ lan sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở những quốc gia mà doanh số bán hàng vẫn đang tăng.
Tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh cuối tháng 4, một giám đốc bán hàng của hãng sản xuất ô tô General Motors nói với tờ SCMP rằng giá cả và các chiến dịch khuyến mại, chứ không phải thiết kế và chất lượng của xe, mới là chìa khóa thành công của một thương hiệu ở Trung Quốc vì những người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đang ưu tiên những món hời khi cân nhắc mua xe.
BYD đã công bố lợi nhuận ròng kỷ lục 30,04 tỉ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng 81% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận của BYD thua xa General Motors, công ty báo cáo thu nhập ròng 15 tỉ USD vào năm 2023, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2022.
BYD đã giao tổng cộng 3,02 triệu ô tô điện thuần túy và xe plug-in hybrid trên toàn cầu vào năm 2023, tăng 62,3% so với 2022, vượt xa doanh số 1,82 triệu chiếc ô tô điện của Tesla.
Công ty đã thử nghiệm ở một số thị trường nước ngoài và đạt được thành công về doanh số ngay lập tức, thường chỉ một năm sau khi gia nhập.
Do sự không chắc chắn về chính sách xung quanh việc xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, BYD đang tìm cách tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài với việc chuyển sản xuất sang các khu vực được coi là thân thiện hơn. Hiện công ty đã có nhà máy ở Thái Lan, Brazil, Indonesia, Hungary và Uzbekistan.