Bức tranh tiền gửi CASA ngành ngân hàng quý 1/2024

Theo khảo sát, top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất quý 1/2024 là: Techcombank, MB, Vietcombank, MSB, TPBank, VietinBank, ACB, BIDV, Sacombank, VPBank…

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Trong đó, thông tin được nhiều người quan tâm đó là tỷ lệ CASA và lượng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng.

TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG NHIỀU NHẤT QUÝ 1/2024

Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý 1/2024 của 27 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm.

Theo đó, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm Big 4 với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Cụ thể, ngân hàng BIDV tiếp tục dẫn đầu với tổng số tiền gửi trong quý vừa qua đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2023. Đứng vị trí thứ 2 ngân hàng VietinBank với mức số dư tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%. Một ngân hàng khác thuộc nhóm Big 4 là Vietcombank có tổng tiền gửi khách hàng quý vừa qua ở mức 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 3,4% và xếp vị trí thứ 3.

Đối với nhóm các ngân hàng tư nhân, ngân hàng MB tiếp tục dẫn đầu với 558.826 tỷ đồng tiền gửi trong quý 1/2024, giảm 1,5% và đứng thứ 4 toàn ngành. Theo sau là ngân hàng Sacombank với số dư tiền gửi đạt 533.358 tỷ đồng, sau khi tăng 4,4%.

Trong khi đó, ngân hàng ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với tổng tiền gửi tăng 2,1% lên mức 492.804 tỷ đồng. 4 vị trí còn lại lần lượt thuộc về Techcombank (458.040 tỷ đồng, tăng 0,8%), VPBank (455.817 tỷ đồng, tăng 3%) SHB (444.297 tỷ đồng, giảm 0,7%), HDBank (378.789 tỷ đồng, tăng 2,2%).

Ngoài top 10 nêu trên, một số ngân hàng thương mại khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng tăng trong quý vừa qua. Cụ thể, ngân hàng LPBank thu hút 261.994 tỷ đồng tiền gửi, tăng mạnh 10,4% so với quý 4/2023; SeABank đạt 154.371 tỷ đồng (tăng 6,6%); Nam A Bank đạt 151.160 tỷ đồng (tăng 3,9%); MSB đạt 137.823 tỷ đồng (tăng 4,1%); Nam A Bank đạt 798,1 tỷ đồng (tăng 31%); VietBank đạt 93.436 tỷ đồng (tăng 3,8%); VietA Bank đạt 88.080 tỷ đồng (tăng 1,6%).

Ở chiều ngược lại, SaigonBank tiếp tục là ngân hàng có số dư tiền gửi thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng được khảo sát, chỉ đạt 23.512 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, những ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng dưới 100.000 tỷ đồng như: PGBank (37.244 tỷ đồng); BaoViet Bank (52.068 tỷ đồng); KienlongBank (56.238 tỷ đồng); BVBank (59.662 tỷ đồng); ABBank (83.524 tỷ đồng);…

TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ TỶ LỆ CASA CAO NHẤT QUÝ 1/2024

Cũng theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng có diễn biến trái chiều khi có đến hơn một nửa số lượng ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong quý vừa qua.

Về chi tiết, vị trí đầu bảng thuộc về ngân hàng Techcombank với tỷ lệ CASA đạt 40,1%. Ngân hàng MB đã lùi 1 bậc xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ CASA cuối quý 1/2024 là 36,1%, giảm 3,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.

Vị trí thứ 3 thuộc về ngân hàng quốc doanh Vietcombank với tỷ lệ CASA đạt 33,2% trong quý 1/2024. Chỉ số này tại Vietcombank sụt giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó, ngân hàng MSB vẫn giữ vị trí thứ 4 trong top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 29,2%, tăng 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tiếp theo, TPBank dừng chân ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ CASA đạt 24,4% vào cuối quý 1/2023. Tỷ lệ này tăng 1,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thuộc về ngân hàng VietinBank với tỷ lệ CASA đạt 21,9%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.

Ngược lại, tỷ lệ CASA của ngân hàng ACB tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên mức 22% trong quý 1/2024. Một ngân hàng khác trong nhóm Big 4 cũng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm là BIDV với 18,5%, tương ứng giảm 1,3 điểm phần trăm và xếp ở vị trí thứ 8. Hai vị trí còn lại lần lượt thuộc về Sacombank và VPBank với tỷ lệ lần lượt đạt 18,3% và 14,4%. Theo ghi nhận, tỷ lệ CASA của Sacombank và VPBank đều giảm so với thời điểm cuối năm trước, tương ứng giảm 0,1 điểm phần trăm và 3 điểm phần trăm.

Xét về tốc độ tăng trưởng, MSB là ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất về CASA. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này ở mức 38.863 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm ngoái.

Bên cạnh top 10 nêu trên, chỉ có 3 ngân hàng có mức tăng trưởng về tỷ lệ CASA trong quý 1/2024, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Trong đó: ABBBank (tăng 1,4 điểm phần trăm); LPBBank (tăng 1 điểm phần trăm); và BVBank (tăng 0,5 điểm phần trăm)

Trái lại, cũng có rất nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như như PGBank (giảm 3,6 điểm phần trăm); HDBank (giảm 2,6 điểm phần trăm); SHB và VietBank (giảm 2,3 điểm phần trăm); Bac A Bank và Eximbank (giảm 1,9 điểm phần trăm); Nam A Bank (giảm 1,3 điểm phần trăm); OCB (giảm 0,7 điểm phần trăm); KienlongBank (giảm 0,6 điểm phần trăm); VietA Bank (giảm 0,4 điểm phần trăm); SeABank (giảm 0,2 điểm phần trăm).

LÃI SUẤT HUY ĐỘNG SẼ TĂNG NHẸ TỪ NỬA SAU NĂM 2024

Trong báo cáo triển vọng vĩ mô tháng 5/2024 mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại có những diễn biến khác nhau trong tháng 4 vừa qua.

Cụ thể, vào ngày 9/4, ngân hàng Vietcombank đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm tại các kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 4,7%/năm còn 4,6%/năm. Hiện tại, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Ở chiều ngược lại, đã có thêm một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng với mức tăng dao động trong khoảng 0, 2- 0,3 điểm phần trăm.

Theo MBS, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng (số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%).

Tại cuộc họp báo ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích MBS cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6% so với cùng kỳ, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) tăng 50,3%. Đầu tư công và tư nhân đều dần tăng 5,9%.

Theo đó, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1 – 5,3%/năm trong nửa sau của năm 2024.

"Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn", MBS nhận định.

Quốc Hưng

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/buc-tranh-tien-gui-casa-nganh-ngan-hang-quy-12024-post552260.html