Bất ngờ thăm New Caledonia, Tổng thống Pháp kêu gọi bình tĩnh và đối thoại

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành chuyến thăm đột xuất tới vùng lãnh thổ New Caledonia của nước này ở Thái Bình Dương, với hy vọng xoa dịu tình hình tại đây sau 9 ngày xảy ra bạo loạn khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tổng thống Macron trong cuộc gặp với các lãnh đạo phe phái ở New Caledonia, dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macron trong cuộc gặp với các lãnh đạo phe phái ở New Caledonia, dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân. Ảnh: Reuters

Rời Paris vào cuối ngày 21.5 để khởi hành chuyến đi dài gần 17.000 km (10.000 dặm), nhưng do khoảng cách và chênh lệch múi giờ, Tổng thống Macron đặt chân đến New Caledonia vào sáng 23.5 (giờ địa phương), cùng với Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng.

Chuyến thăm gấp rút của ông là dấu hiệu cho thấy Paris đánh giá tình hình ở New Caledonia ở mức độ nghiêm trọng. Ông Macron đã phải thay đổi toàn bộ lịch trình dự kiến cho những ngày tiếp theo trong tuần để dành khoảng 12 tiếng cho chuyến thăm vùng lãnh thổ này. Lịch trình chuyến đi lần này cũng được khẩn trương chuẩn bị ngay trên chuyến bay kéo dài 24 tiếng từ Pháp tới New Caledonia.

Phát biểu khi đặt chân tới sân bay Quốc tế La Tontouta ở thủ phủ Noumeá, nơi được sử dụng cho các chuyến bay sơ tán đặc biệt dành cho khách du lịch bị mắc kẹt nhưng vẫn đóng cửa đối với các dịch vụ thương mại, ông Macron bày tỏ mong muốn “sát cánh cùng người dân New Caledonia và chứng kiến hòa bình, ổn định và trật tự quay trở lại càng sớm càng tốt”.

Ông Macron nói thêm rằng ông sẽ thảo luận về các nguồn lực cần thiết để khắc phục thiệt hại do các vụ xả súng, đốt phá và bạo lực khác khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Trong những ngày qua, thiệt hại về kinh tế do bạo loạn ước tính lên tới hàng trăm triệu euro.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận về hoạt động tái thiết kinh tế, hỗ trợ và phản ứng nhanh chóng cũng như các câu hỏi chính trị tế nhị nhất khi chúng tôi nói về tương lai của New Caledonia”. Khi được phóng viên hỏi liệu ông có nghĩ chuyến thăm 12 giờ là đủ hay không, Macron trả lời: “Chúng ta sẽ chờ xem”.

Ngay sau đó, ông Macron đã có cuộc họp với hai phe phái đối địch ở New Caledonia, bao gồm các nhà lãnh đạo người bản địa Kanak ủng hộ độc lập và các nhà lãnh đạo trung thành với Chính quyền trung ương, muốn vùng lãnh thổ này vẫn là một phần của Pháp.

Ông Macron mở đầu cuộc họp với lời kêu gọi dành một phút mặc niệm cho 6 người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn, trong đó có hai hiến binh Pháp; sau đó kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp lập lại trật tự. Ông cho biết tình trạng khẩn cấp mà Chính quyền Paris áp đặt từ tuần trước chỉ có thể được dỡ bỏ nếu các nhà lãnh đạo địa phương có thể thuyết phục phe biểu tình bạo loạn dỡ bỏ các rào chắn đã dựng lên ở Noumeá và các khu vực xa hơn.

Các rào chắn đã biến một số khu vực ở Noumeá thành khu vực không thể đi lại, điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bệnh cần điều trị y tế, đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, họ không thể tiếp cận nguồn thực phẩm sau khi các cửa hàng bị cướp bóc, phá hủy. Tổng thống Macron cho biết Pháp đã điều 1.000 quân tiếp viện cho cảnh sát và hiến binh của quần đảo, hiện có 3.000 người.

“Những lực lượng này sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh tại đây chừng nào còn cần thiết. Ngay cả trong Thế vận hội Olympic và Paralympic, hai sự kiện dự kiến sẽ được khai mạc tại Paris vào ngày 26.7”, Tổng thống Pháp cho biết.

Bạo lực bùng phát ở New Caledonia vào ngày 13.5 sau khi Quốc hội Pháp thúc đẩy một dự luật cho phép sửa đổi Hiến pháp Pháp để thay đổi danh sách cử tri New Caledonia. Theo dự luật này, những cư dân đã sống ở New Caledonia trên 10 năm sẽ được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh.

Những người phản đối lo ngại quyết định trên sẽ mang lại lợi ích cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người Kanak ra ngoài lề, những người từng phải chịu các chính sách phân biệt nghiêm ngặt và sự phân biệt đối xử phổ biến.

New Caledonia từng là thuộc địa của Pháp vào khoảng nửa sau thế kỷ XIX. Vùng này cùng với các vùng lãnh thổ hải ngoại khác trên toàn cầu được coi là một phần không thể thiếu của Pháp. Tuy nhiên, từ lâu đã tồn tại căng thẳng giữa Paris và phong trào ủng hộ độc lập của người Kanak bản địa ở New Caledonia.

Quỳnh Vũ (Theo AP, Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/bat-ngo-tham-new-caledonia-tong-thong-phap-keu-goi-binh-tinh-va-doi-thoai-i372644/