4 nguyên tắc ăn uống khi trẻ bị tay chân miệng
Con tôi vừa được chẩn đoán mắc chân tay miệng, có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi. Tôi nên cho con ăn gì để nhanh phục hồi và tăng sức đề kháng?
Con tôi vừa được chẩn đoán mắc chân tay miệng, có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi. Tôi nên cho con ăn gì để nhanh phục hồi và tăng sức đề kháng?
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, xuất hiện do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa tốt làm mầm bệnh lây lan. Bệnh nhân tay chân miệng thường chán ăn, bỏ ăn hay từ chối ăn do tình trạng nhiễm trùng gây sốt, viêm loét ở miệng, đau họng...
Ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ khi đã mắc.
Vì vậy, cha mẹ nên chú ý nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch cho trẻ như sau:
- Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, cung cấp vitamin và chất khoáng với 15-20 loại thực phẩm). Phụ huynh không nên cho bé ăn quá kiêng khem, để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.
- Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Đây đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ.
- Tăng cường ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, xúp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C. Chúng giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt.
- Khi đang bị bệnh, bệnh nhân không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…, hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Người bệnh nên tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc thực phẩm lạ.