3 điều cần tránh khi ăn trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng không phù hợp với nhiều người vì hàm lượng chất béo, cholesterol cao.

Tôi rất thích ăn trứng vịt lộn, nghe nhiều người nói món này có hàm lượng đạm cao hơn thịt bò nên có thể thay thế để hạn chế tiêu thụ thịt đỏ. Xin bác sĩ cho biết tác dụng và cách sử dụng thực phẩm này như thế nào là tốt nhất? (Phương Liên, Hà Nội).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia (Hà Nội) tư vấn:

Trứng vịt lộn là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hai quả trứng tương đương 100g cung cấp khoảng 180 calo, 13,6g protein, 12,4g lipid, 4g gluxit, 81mg canxi. Đây còn là thực phẩm giàu phốt pho, beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt… Tuy nhiên, món ăn này cũng chứa hàm lượng cholesterol cao khoảng 600mg/100g.

Hai quả trứng vịt lộn có lượng calo tương đương 1 bát cơm nhưng lượng đạm ít hơn 100g thịt bò. Bởi vậy, chọn trứng vịt lộn thay thịt để tăng protein không hoàn toàn đúng.

Theo tôi, bạn chỉ nên dùng trứng vịt lộn là thành phần đạm trong nhóm thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, thay đổi hằng tuần để đa dạng, phong phú thực đơn, không ăn kéo dài.

Ngoài ra, hàm lượng lipid, cholesterol trong trứng vịt lộn cao sẽ không thích hợp với người thừa cân, béo phì. Nếu ăn loại trứng này, bạn cần cắt giảm các thực phẩm khác và tính kỹ tổng năng lượng ăn vào luôn ít hơn tiêu hao.

Khi bạn muốn giảm cân, các bữa ăn cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng chung nhưng chú ý lựa chọn nhóm thực phẩm giàu chất xơ và protein. Thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và trái cây sẽ giúp bạn no lâu hơn, kiểm soát được năng lượng nạp vào.

Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn thêm:

Theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể tăng trưởng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý 3 vấn đề cần tránh khi sử dụng thực phẩm này:

Không nên ăn vào buổi tối

Trứng vịt lộn khó tiêu do chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol cao. Bạn ăn vào buổi tối gây khó chịu, đầy hơi, có hại cho hệ tiêu hóa. Thời điểm thích hợp nhất để ăn món ăn này là vào buổi sáng, tuy nhiên không nên ăn quá thường xuyên và ăn nhiều một lúc.

Lưu ý theo từng độ tuổi, nhóm người

Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, từ 1-2 lần/tuần.

Những người béo phì, người già, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch, rối loạn chuyển hóa axit uric (gout) cần hạn chế ăn món ăn này.

Chỉ ăn 2 quả/tuần

Một tuần, bạn nên ăn tối đa khoảng 2-3 quả và cần luộc chín thật kỹ vì trứng có khả năng nhiễm vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Bạn không nên dùng trứng vịt lộn đã luộc chín để qua đêm, vì các chất dinh dưỡng trong đó sẽ sản sinh ra vi khuẩn có hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi ăn, bạn nên dùng chung trứng vịt lộn với gừng và lá rau răm. Đây là cách kết hợp hài hòa đem lại sự cân bằng cho cơ thể. Rau răm, gừng có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Mỗi lần ăn, bạn dùng khoảng 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-dieu-can-tranh-khi-an-trung-vit-lot-chi-duoc-an-toi-da-2-qua-tuan-2339671.html