Xuất khẩu vũ khí của Mỹ lên mức cao kỷ lục 238 tỉ đô la

Doanh số xuất khẩu thiết bị quân sự của Mỹ cho các chính phủ nước ngoài trong năm 2023 tăng 16%, lên mức kỷ lục 238 tỉ đô la Mỹ. Con số này được ghi nhận trong bối cảnh nhiều nước châu Âu tìm cách bổ sung kho vũ khí sau khi tài trợ đáng kể cho Ukraine và đề phòng các cuộc xung đột lớn.

Xe phóng tên lửa HIMARS, do Lockheed (Mỹ) sản xuất, được chuyển xuống từ máy bay vận tải Antonov An-125 tại sân bay ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hồi tháng 5-2023. Ảnh: defense-aerospace.com

Xe phóng tên lửa HIMARS, do Lockheed (Mỹ) sản xuất, được chuyển xuống từ máy bay vận tải Antonov An-125 tại sân bay ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hồi tháng 5-2023. Ảnh: defense-aerospace.com

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc bán và chuyển giao vũ khí là “các công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ” trước những tác động tiềm tàng đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Các số liệu xuất khẩu lạc quan đang củng cố kỳ vọng về mức tăng trưởng doanh số cao của các công ty quốc phòng lớn ở Mỹ như Lockheed Martin, General Dynamics, RTX, Northrop Grumman. Do đó, cổ phiếu của các công ty này được dự báo tăng giá trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang leo thang.

Doanh số bán vũ khí của Mỹ được phê duyệt trong năm 2023 bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trị giá 10 tỉ đô la Mỹ cung cấp Ba Lan, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-8 (AMRAAM) trị giá 2,9 tỉ đô la bán cho Đức và tên lửa đất đối không (NASAMS) bán sang Ukraine. Các nhà sản xuất của danh mục vũ khí xuất sang châu Âu kể trên cũng được xác định. Cụ thể, Lockheed là nhà sản xuất HIMARS, RTX sản xuất AMRAAM, còn NASAMS là dự án vũ khí hợp tác giữa RTX và Công ty quốc phòng Kongsberg của Na Uy.

Lockheed và General Dynamics kỳ vọng các đơn đặt hàng hiện nay từ nước ngoài bao gồm hàng trăm nghìn quả đạn pháo, tên lửa đánh chặn Patriot và sự gia tăng đơn đặt hàng xe bọc thép sẽ củng cố kết quả kinh doanh của họ trong những quí tới.

Sẽ có hai phương thức giao dịch để các chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty quốc phòng Mỹ. Thứ nhất, các thương vụ trực tiếp đàm phán với một công ty quốc phòng Mỹ. Thứ hai là các thương vụ thông qua kênh ngoại giao quân sự khi chính phủ nước ngoài đàm phán với đại diện của Lầu Năm góc tại đại sứ quán Mỹ. Tuy vậy, cả hai phương thức này đều đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ phải phê duyệt.

Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy doanh số xuất khẩu vũ khí thông qua các thương vụ trực tiếp trong năm tài khóa 2023 tăng lên 157,5 tỉ đô la, từ mức 153,6 tỉ đô la của năm 2022. Trong khi đó, các thương vụ được dàn xếp thông qua chính phủ Mỹ tăng lên 80,9 tỉ đô la, tăng hơn 50% so với năm 2022.

Những thương vụ trên diễn ra khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, làm dấy lên lo ngại về khả năng Moscow nhắm mục tiêu vào các nước khác.

Với cuộc chiến Nga-Ukraine diễn ra sát biên giới, Ba Lan đã đàm phán thành công một số đơn đặt hàng quốc phòng lớn nhất thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài thương vụ 10 tỉ đô la cho hệ thống HIMARS, Ba Lan còn đạt thỏa thuận trị giá 12 tỉ đô la để mua máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache của Boeing, đồng thời cũng ký kết một hợp đồng trị giá 3,75 tỉ đô la mua xe tăng chiến đấu M1A1 Abrams của General Dynamics.

Các đồng minh châu Âu khác của Mỹ vốn đang cảnh giác với Nga cũng đặt những đơn hàng lớn trong năm qua. Chẳng hạn, Đức đạt thỏa thuận 8,5 tỉ đô la mua máy bay trực thăng CH-47F Chinook của Boeing. Cộng hòa Czech đặt đơn hàng mua máy bay tiêm kích F-35 của Boeing và đạn dược trị giá 5,6 tỉ đô la. Bulgaria đặt mua lô hàng xe thiết giáp Stryker trị giá 1,5 tỉ đô la từ General Dynamics. Hay gần đây, Na Uy mua lô hàng trực thăng đa nhiệm MH-60R trị giá 1 tỉ đô la từ Lockheed Martin.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực nắm bắt thời cơ ở châu Âu và châu Á để giúp các nước của hai khu vực này loại bỏ việc nhập khẩu vũ khí của Nga và tăng cường sản xuất quốc phòng trong nước.

Đối với Mỹ, việc vượt qua Nga trên thị trường vũ khí là một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Trong nhiều thập niên, Nga luôn được xem là đối trọng lớn của Mỹ trong việc xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Khách hàng chính của Nga bao gồm gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập. Tuy nhiên, năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga đang bị hạn chế do dồn nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), vai trò là nhà cung cấp vũ khí lớn toàn cầu của Moscow đang bị ảnh hưởng nhiều khi tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Giới quan chức Mỹ nhận định, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga biến động đang tạo cơ hội lớn cho các công ty quốc phòng của Mỹ và phương Tây giành lấy thị phần của Moscow. Năm ngoái, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1,8 tỉ đô la với Ấn Độ để sản xuất động cơ máy bay chiến đấu tại đây, trong bối cảnh nước này tìm cách giảm phụ thuộc vào Nga.

Các thương vụ lớn khác từ châu Á bao gồm hai đơn hàng của Hàn Quốc mua máy bay tiêm kích F15 và máy bay trực thăng CH-47F Chinook với trị giá tổng cộng 6,5 tỉ đô la. Ngoài ra, Nhật Bản đặt 5 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye của Northrop Grumman, với trị giá hơn 1 tỉ đô la.

Theo Reuters, Politico

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-vu-khi-cua-my-len-muc-cao-ky-luc-238-ti-do-la/