Vẹn tròn tin yêu!
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội hân hoan trong niềm vui kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024). Càng phấn khởi, tự hào hơn khi suốt 7 thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, trở thành Thủ đô văn minh, giàu đẹp, 'Thành phố vì hòa bình', xứng đáng với sự tin tưởng của Bác Hồ, của Trung ương và niềm tin yêu của đồng bào cả nước.
Cách đây 65 năm, ngày 25-4-1959, dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Để làm được điều đó, Người căn dặn: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Từ đó đến nay, lời Bác dạy luôn là ngọn đèn soi sáng trong quá trình đổi mới và phát triển của Hà Nội, trở thành mệnh lệnh trong trái tim mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
70 năm kể từ ngày “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” và 65 năm sau lời căn dặn của Bác, dáng dấp, hình hài của một “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” đang dần hiện hữu. Thật tự hào khi cách đây 25 năm, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Tiếp đó, tháng 10-2019, UNESCO tiếp tục ghi danh Hà Nội là thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” toàn cầu.
Từ đầu năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đáng mừng khi kinh tế Thủ đô luôn duy trì mức tăng trưởng cao, trong đó từ năm 2021 đến 2023 đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với năm 2022. 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước là 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán, tăng 18,2% so với cùng kỳ; thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ...
Kinh tế phát triển là tiền đề, nền tảng để cả hệ thống chính trị TP Hà Nội tập trung nguồn lực chăm lo cho nhân dân ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn cả về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Trong đó, văn hóa, giáo dục được xác định là động lực mới, nguồn lực mới để Thủ đô phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16-11-2023 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 19-2-2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh... Những nghị quyết, chỉ thị quan trọng này nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô; từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Các cấp trong hệ thống chính trị Thủ đô luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội được chú trọng. Ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Chương trình được chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả và có tác động lan tỏa. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Đến hết năm 2023, có 20/27 chỉ tiêu (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu) hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố còn 0,03%; 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo... Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực. Thành phố Hà Nội về đích trước một năm về xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực là minh chứng khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang ra sức thi đua, nỗ lực hết mình để xây dựng Hà Nội mau chóng trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như Bác Hồ hằng mong muốn. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm nêu gương và làm gương. Trong đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, quyết liệt, khẩn trương, sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đặc biệt, liên tục trong 4 năm qua (2021-2024), Hà Nội đều lấy chủ đề công tác năm của toàn thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố không ngừng được tăng cường, tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ven-tron-tin-yeu-798168