Tuyển sinh 2023: Thêm nhiều ngành học mới, thêm cơ hội cho thí sinh
Hiện nhiều trường đại học đã thông tin về kế hoạch tuyển sinh năm 2023, trong đó các trường tiếp tục có xu hướng mở ngành học mới.
Đa dạng ngành học mới
Trường Đại học Thủy lợi vừa thông báo dự kiến tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy năm 2023. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022.
5 phương thức xét tuyển trường sử dụng: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp với kết quả học THPT cho học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển), học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT.
Tiếp đến là phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Đáng chú ý, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.
Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang đào tạo 34 ngành bậc đại học. Năm 2023, trường này dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trường dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Hiện trường đang xây dựng chương trình đào tạo và dự kiến đến tháng 4/2023 thẩm định xong để thực hiện trong năm học 2023 - 2024.
Mở mới nhiều ngành học ở bậc đại học là một trong những quyết định quan trọng vừa được Hội đồng đại học Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông qua.
Theo đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường Đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.
Thí sinh cân nhắc cơ hội việc làm
Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học hướng tới đào tạo đa ngành. Với xu hướng phát triển đó, nhiều trường không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo. Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ GDĐT mở.
Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này cho thấy rõ trong mùa tuyển sinh 2021, trong đó có trường tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần. Nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, đó là tín hiệu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.
Song thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề dành cho các thí sinh. Đó là chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề; không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi áp dụng các nguyên tắc này, thí sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em nên tìm hiểu thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.