Tương lai nào cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine?

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba, gây ra những thiệt hại nặng nề không chỉ cho các bên tham gia trực tiếp, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, chính trị, kinh tế khu vực và thế giới. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào các bên liên quan đạt được thỏa hiệp chấm dứt cuộc xung đột này?

Quan điểm của lãnh đạo Nga-Ukraine về giải quyết xung đột

Quan điểm của lãnh đạo Nga-Ukraine về giải quyết xung đột

Qua những phát biểu, tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine kể từ khi cuộc xung đột quân sự xảy ra vào tháng 2/2022, có thể thấy không bên nào chấp nhận nhượng bộ. Tổng thống Nga Putin nói về mong muốn chấm dứt xung đột, nhưng phải tính đến các điều kiện của Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin khẳng định, Nga muốn tìm kiếm một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột thông qua các biện pháp hòa bình. Nga sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán phải tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm cả Nga.

Trong khi đó, trong các phát biểu của mình về vấn đề này, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng khẳng định chủ trương chống Nga đến cùng bất chấp chủ trương này có thể đẩy đất nước Ukraine bên bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng. Phát biểu trước truyền thông vào cuối tháng 2/2024, tròn 2 năm cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, Tổng thống Zelensky nêu rõ, chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao chỉ diễn ra khi Nga chấp nhận công thức hòa bình của Kiev. Theo đó, công thức hòa bình mà ông Zelensky đề cập đến là 10 đề xuất mà ông đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm chấm dứt xung đột với Nga; trong đó, có yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và bồi thường chiến tranh cho Ukraine.

Bất đồng quan điểm trong cách tiếp cận giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc gửi vũ khí và viện trợ khác cho Ukraine. Việc gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Biden bị trì hoãn sau nhiều tháng ở Hạ viện cho thấy những rào cản pháp lý và khó khăn của chính quyền Tổng thống Biden trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Còn với châu Âu, vấn đề Ukraine bộc lộ những yếu kém về nguồn dự trữ vũ khí của quân đội các nước châu Âu sau nhiều thập niên giải trừ vũ khí. Không có nguồn dự trũ phù hợp, 75% trang thiết bị quân sự mới mà châu Âu phải mua thực tế là chỉ đổ lợi nhuận cho các nhà công nghiệp quốc phòng ngoài châu Âu. Những khó khăn này sẽ ít nhiều tác động, làm thay đổi suy nghĩ của phương Tây về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev trong cuộc chiến với Nga. Trước đây, phương Tây tin tưởng vào chiến thắng nhanh chóng của Kiev khi quân đội nước này được cung cấp các gói viện trợ quân sự ban đầu khổng lồ; tuy nhiên, cục diện chiến sự Nga-Ukraine sau hơn 2 năm khiến các nước này phải xem xét lại niềm tin của mình.

Theo trang phân tích Politico, các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine trong trường hợp Ukraine có thể nhượng lại một phần lãnh thổ của mình cho Nga. Tuy rằng, dự báo này còn gây ra nhiều tranh cãi và bất đồng quan điểm giữa giới quan chức và dư luận. Còn theo New York Times, Tổng thống Putin đã phát đi tín hiệu từ tháng 9/2023 rằng, Nga sẵn sàng chấm dứt thù địch và xây dựng hòa bình nếu Ukraine đồng ý với một số điều kiện nhất định. Điều này có thể bao gồm các nhượng bộ về lãnh thổ. Nhìn chung, tình hình chiến sự ở Ukraine ngày càng phức tạp và không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ phải xem xét lại kế hoạch cũng như cách tiếp cận của mình để giải quyết xung đột. Các cuộc đàm phán hòa bình và khả năng nhượng bộ lãnh thổ đang trở thành chủ đề thảo luận chính trên các phương tiện truyền thông phương Tây hiện nay.

Xu hướng xung đột Nga-Ukraine thời gian tới

Theo giới phân tích chính trị-quân sự Nga nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ít nhất là cho đến hết năm 2024. Gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành thành luật vào cuối tháng 4/2024 và hàng loạt cam kết viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine sẽ tạo động lực tinh thần mạnh mẽ và cung cấp nguồn vũ khí dồi dào giúp quân đội Ukraine tổ chức phản công trong thời gian tới. Tuy nhiên, các cuộc phản công này có mang lại hiệu quả trên thực địa hay không vẫn là câu hỏi lớn khi mà quân đội Nga đang có những bước tiến vững chắc, nhất là sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka vào tháng 2/2024. Kịch bản phương Tây đưa quân trực tiếp đến Ukraine để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Zelensky cũng sẽ khó xảy ra vì điều này chắc chắn sẽ đẩy phương Tây vào một cuộc chiến tranh với Nga. Rõ ràng, phương Tây không muốn rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Nga vì nhiều lý do, nổi bật trong số đó là sự lo ngại về nguy cơ bị trả đũa hạt nhân. Cho dù chưa cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến lược với sức hủy diệt lớn, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga thường có tầm bắn không quá 5.500km; tuy nhiên, tầm bắn đó cũng đủ để bao trùm toàn bộ châu Âu, đặt khu vực này trước một mối đe dọa lớn.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các cuộc phản công của quân đội Ukraine thời gian tới thất bại, các gói viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine không mang lại hiệu quả trên chiến trường, thì phương Tây nhiều khả năng sẽ phải dần tìm cách rút lui khỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này sẽ mở ra các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine với sự tham gia của phương Tây đại diện lợi ích cho chính quyền Kiev, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine; khi đó, nguy cơ đất nước Ukraine bị chia thành nhiều vùng lãnh thổ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Nga-Ukraine

Theo chuyên gia quân sự, cựu thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về vũ khí sinh học và hóa học, Igor Nikulin, cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được Nga sử dụng trong trường hợp phương Tây và Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự vượt ra khỏi “lằn ranh đỏ”, đe dọa đến sự tồn vong của Nga. Ông Igor Nikulin lưu ý rằng, học thuyết hạt nhân của Moscow vẫn không thay đổi, khi chỉ cho phép sử dụng những loại vũ khí như vậy trong trường hợp sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa; tuy nhiên, Nga đang phân tích tình hình để xem học thuyết hạt nhân hiện tại có đủ để bảo đảm an ninh của Nga hay không.

Về vấn đề này, ngày 21/5/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Quân khu miền Nam đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật. Cuộc tập trận bao gồm việc đưa vũ khí hạt nhân từ các địa điểm lưu trữ đến các đơn vị, trang bị đầu đạn hạt nhân lên tên lửa chiến thuật, và chuẩn bị phóng tên lửa. Quân đội Nga sẽ sử dụng hệ thống Iskander-M, có thể bắn tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728, cả hai đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ 5-50 kiloton. Cuộc diễn tập cũng sẽ bao gồm việc trang bị vũ khí hạt nhân cho các tên lửa phóng từ trên không, trong đó có tên lửa siêu thanh Kinzhal. Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình Kh-32 được trang bị cho máy bay ném bom Nga cũng có khả năng mang đầu đạn tương tự như tên lửa Iskander. Theo Moscow, cuộc tập trận được coi là một nỗ lực nhằm “làm nguội những cái đầu nóng” ở phương Tây trong bối cảnh có những “tuyên bố hiếu chiến” và “hành động gây bất ổn” của các nước NATO.

Bước sang năm thứ ba, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có tia sáng về một giải pháp hòa bình. Triển vọng càng thêm mịt mờ khi các bên đưa ra con bài hạt nhân chiến thuật và sẵn sàng sử dụng giải pháp này một khi “lằn ranh đỏ” bị phá vỡ. Thời gian tới, cuộc khủng hoảng này vẫn sẽ là yếu tố chính tác động đến đời sống chính trị-kinh tế-an ninh quốc tế. Không chỉ các bên trực tiếp tham gia là Moscow và Kiev gánh chịu thiệt hại nặng nề, mà thế giới cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục và vượt qua những hệ lụy từ cuộc xung đột dai dẳng này. Hơn lúc nào hết, các bên cần phải kiềm chế các hành động gây leo thang căng thẳng, ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tuong-lai-nao-cho-cuoc-xung-dot-quan-su-nga-ukraine-215186.htm