Truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn, muốn an tâm 100% phải cần rất nhiều dấu hiệu nhận biết các sản phẩm sạch đến từ địa phương có vùng nuôi trồng.

Chú trọng xây dựng nguồn thực phẩm sạch

Phát biểu tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp hệ thống tiêu thụ nông sản tại TP.HCM, do Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức ngày 22/12, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nhận định, bên cạnh công tác chống thực phẩm bẩn thì phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, xây dựng nguồn thực phẩm sạch được TP.HCM đang hết hết sức chú trọng.

Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại TP.HCM. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại TP.HCM. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Bà Phong Lan cho biết, tất cả các sản phẩm tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối ở TP.HCM đến từ nhiều nơi, trong đó có sản phẩm nông sản của tỉnh Lâm Đồng; đều trong sự quản lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

“Với trách nhiệm của mình, Ban sẽ phát hiện những hành vi gian lận và sản phẩm không đạt chất lượng. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn trong việc nhận biết sản phẩm, không nhầm lẫn với sản phẩm các nơi khác, cần phải có dấu hiệu nhận biết sản phẩm Lâm Đồng”, bà Phong Lan chia sẻ.

Bà Phong Lan khẳng định, quản lý an toàn thực phẩm cần sự giám sát từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chứ không phải hàng về nơi tiêu thụ mới kiểm tra. TP.HCM không có điều kiện sản xuất, đa số tiêu thụ sản phẩm từ các nơi khác nên đây là việc cực kỳ quan trọng.

Theo bà Phong Lan, tỉnh Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên TP.HCM ký kết hợp tác đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch. Số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng và sản lượng vẫn dưới tiềm năng của tỉnh.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Lâm Đồng giới thiệu tại hội nghị. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Lâm Đồng giới thiệu tại hội nghị. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Bà Phong Lan kỳ vọng sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại TP.HCM được thực hiện tốt hơn để đảm bảo chất lượng nguồn sản phẩm được tiêu thụ tại TP.HCM.

TP.HCM tiêu thụ hơn 70% sản lượng rau, hoa, trái cây của tỉnh Lâm Đồng

Hiện nay, TP.HCM tiêu thụ hơn 70% sản lượng rau, hoa, trái cây của tỉnh Lâm Đồng. Hơn 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả ở tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã xác nhận cho 25 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Sản lượng rau củ quả đạt hơn 38.147 tấn/năm; trái cây đạt 1.070 tấn/năm; trà 60 tấn/năm.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng luôn tuân thủ nghiêm ngặt, thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm, hàng hóa qua từng năm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo đảm uy tín thương hiệu nông sản tỉnh Lâm Đồng.

Xây dựng nguồn thực phẩm sạch được TP.HCM rất chú trọng. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Xây dựng nguồn thực phẩm sạch được TP.HCM rất chú trọng. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo ông Bích, ngoài áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, hiện nay, tỉnh đang quan tâm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh nông sản trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

"Tỉnh Lâm Đồng đã tích cực vận động, hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, xác định được nguồn gốc nông sản để cung ứng các sản phẩm an toàn, chất lượng cho TP.HCM", ông Bích cho hay.

Ngoài ra, hai bên còn thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn cho TP.HCM; phối hợp kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Từ năm 2016 đến nay, đã lấy 4.808 mẫu có nguồn gốc thực vật để phân tích. Kết quả chỉ có 48/4.808 mẫu, chiếm 1% không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Riêng 25 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TP.HCM, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giám sát việc thực hiện quy trình, ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng sâu bệnh, thu gom tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Năm 2017, giám sát 68 lần với 930 mẫu phân tích định tín. Kết quả 2/930 mẫu, chiếm 0,2% không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Trước đó, ngày 22/12, tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã diễn ra Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại TP.HCM.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục kế hoạch về phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa 2 đơn vị.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-con-gap-nhieu-kho-khan-164257.html