Tổ hợp tác nông nghiệp nỗ lực vươn lên phát triển vùng rau an toàn

Trước nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả ngày càng tăng cao, cùng với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng các loại nông sản, một số hộ nông dân tại phường Đồng Mai đã tập hợp lại thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng (quận Hà Đông, Hà Nội). Tổ hợp tác được đánh giá là mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại mới của vùng Đồng Mai nói riêng và quận Hà Đông nói chung.

Triển vọng vùng rau an toàn ở Đồng Mai

Nằm ven sông Đáy, phường Đồng Mai từ lâu được biết đến là địa phương có diện tích đất trồng hoa màu lớn của quận Hà Đông. Tuy nhiên, những năm trước đây, dù được quan tâm, triển khai nhiều mô hình nhằm phát huy ưu thế về trồng rau, song Đồng Mai vẫn chưa bứt phá được để phát triển.

Để thống nhất quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, nâng cao giá trị sản phẩm, vào tháng 8/2020, Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng được thành lập, được kỳ vọng là mô hình mới trong sản xuất rau an toàn ở Đồng Mai.

Tổ hợp tác thu hút 37 thành viên tham gia, có diện tích canh tác rau sạch 1,725ha. Sản phẩm của Tổ hợp tác chủ yếu là rau ăn lá (cải mơ, cải ngồng, cải bắp, cải thảo, cải ngọt, cải bẹ, hành lá); rau ăn quả (cà chua); rau ăn thân (su hào) và rau ăn hoa (súp lơ). Sản lượng trung bình từ 5-7 tấn rau củ quả VietGAP/tháng. Các thành viên được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, tiêu chuẩn TCVN 11892-1: 2017.

Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng được chia làm 5 nhóm sản xuất, mỗi nhóm có một tổ trưởng để kiểm tra chéo các tổ khác trong việc áp dụng quy trình sản xuất. Đặc biệt, rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải đáp ứng 4 tiêu chí sản xuất khắt khe: Thứ nhất là tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, nghĩa là phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về phương pháp canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), nguồn nước, nguồn đất. Thứ hai là tiêu chí về môi trường làm việc, phải có đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe. Thứ ba là tiêu chí về an toàn thực phẩm, trong toàn bộ khâu canh tác, tổ chức phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, nghĩa là không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh. Thứ tư là tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm của cơ quan quản lý và khách hàng được dễ dàng hơn.

Đồng thời, sau khi thu hoạch sản phẩm, các công ty thu mua sản phẩm sẽ test nhanh chất lượng để đảm bảo đúng, đủ các tiêu chí, giúp người tiêu dùng có thể an tâm hơn trong việc sử dụng sản phẩm.

Với sự nỗ lực trong việc thay đổi tập quán canh tác của các thành viên, năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận OCOP 3 sao cho 4 sản phẩm: Su hào, cải ngồng, cải mơ và bắp cải.

Chuyển mình theo hướng nông nghiệp bền vững

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Trần Văn Thạch, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng cho biết: “Trước đây, người dân ở khu vực này chỉ biết trồng rau tự cung tự cấp giữa các hộ quanh vùng, rau trồng ra nhiều khi cũng phải bỏ đi do sâu bệnh hay sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Vì vậy mà sản lượng rau làm ra không lớn, rau được mùa thì lại mất giá do không có bên nào đứng ra hỗ trợ bà con tìm kiếm các đầu mối thương lái thu mua, dẫn đến thu nhập của bà con luôn trong tình trạng bấp bênh, nhiều hộ không thể gắn bó được với nghề làm nông mà phải đi sang các địa phương khác tìm kiếm cơ hội việc làm”.

Tuy nhiên, sau khi tham gia vào Tổ hợp tác, cùng với đó được các ban, ngành nông nghiệp tuyên truyền và chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, các thành viên trong Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Các công đoạn làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại. Đặc biệt, các hộ dân đều “nói không” với các loại hóa chất độc hại trong việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng luôn đảm bảo các tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng luôn đảm bảo các tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cũng chính bởi lẽ đó, các loại rau, củ quả được làm ra bởi bà con nông dân trong Tổ hợp tác Đồng Hoàng luôn có năng suất cao và chất lượng đảm bảo.

Hiện tại, các sản phẩm rau an toàn của Tổ hợp tác được thương lái đến mua tận ruộng. Ngoài ra, Tổ hợp tác cũng phối hợp với Đoàn thanh niên của phường Đồng Mai mở các kênh phân phối, tiêu thụ rau trong khu vực nội thành Hà Nội. Các sản phẩm rau, củ của Tổ hợp tác được thu hoạch và tiêu thụ trong ngày nên đảm bảo về độ tươi ngon, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng.

“Từ ngày thành lập Tổ hợp tác đến nay, rất nhiều hộ gia đình đã cải thiện được kinh tế và ổn định được đời sống, trung bình một hộ trong Tổ hợp tác có mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, có hộ sản xuất khá hơn còn có thể đạt mức thu nhập 10-15 triệu/tháng. Bà con nhân dân trong Tổ hợp tác cũng hiểu được rõ hơn tầm quan trọng về việc làm kinh tế tập thể, vậy nên cũng rất phối hợp tham gia các lớp tập huấn về ghi chép nhật ký sản xuất và phát triển mô hình rau an toàn theo hướng hiện đại”, ông Thạch thông tin.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Tuy có những nỗ lực cải thiện đáng kể cả về cách thức sản xuất và đầu tư công nghệ hiện đại, song Tổ hợp tác vẫn gặp một vài khó khăn trong việc giúp đỡ bà con hiểu được cách ghi chép “Nhật ký sản xuất” sao cho đúng. Bởi cách canh tác theo kiểu truyền thống lâu ngày của người nông dân đã phần nào quen thuộc, việc ghi chép cũng gặp khó khăn vì không phải bà con nào cũng viết và hiểu được tên các loại thuốc, phân bón hóa học bằng tiếng Anh trong nhật ký.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Thạch cho biết: “Mới đầu bà con nông dân còn bỡ ngỡ rất nhiều trong việc sử dụng “Nhật ký sản xuất”, họ cho rằng việc viết nhật ký và kiểm tra chéo lẫn nhau theo kiểu canh tác hiện đại có phần lằng nhằng, phức tạp. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Tổ hợp tác đã cố gắng tổ chức các lớp tập huấn và mời các chuyên gia bên Bộ NN&PTNT về để tuyên truyền, giải thích rõ cho bà con về cách thức ghi chép, sử dụng nhật ký, cũng như hiểu về tầm quan trọng của việc canh tác và sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Giờ đây, bà con cũng đã phần nào quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Tôi cho rằng đó là một sự thành công và nỗ lực không nhỏ đối với Tổ hợp tác Đồng Hoàng”.

Ngoài ra, việc nguồn điện không ổn định trong thời gian gần đây cũng đã khiến một số khâu trong sản xuất phải thay đổi giờ làm.

Điển hình, hầu hết các khâu canh tác của Tổ hợp tác đều dựa vào công nghệ tưới tự động. Để vận hành hệ thống thì không thể nào thiếu được điện, vậy nên Tổ hợp tác Đồng Hoàng cũng đã cố gắng lập các kế hoạch sản xuất linh hoạt theo lịch cắt điện của bên điện lực để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nhân dân.

Trong thời gian sắp tới, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch trở thành nguồn cung cấp rau an toàn cho khu vực Hà Đông và mục tiêu phấn đấu là nguồn cung cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích, cửa hàng rau sạch, rau an toàn trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.

Thanh Uyên - Nguyễn Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/to-hop-tac-nong-nghiep-no-luc-vuon-len-phat-trien-vung-rau-an-toan-1093328.html