Tiêu thụ trái cây vẫn gặp khó

Các tỉnh, thành phố phía Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển cây ăn quả, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững trong liên kết sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm khi vào vụ thu hoạch.

Sức ép tiêu thụ lớn

Là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, Hà Nội hiện có 13.000ha. Đặc biệt, Hà Nội có 22 giống cây trồng đặc sản, trong đó có 12 giống cây ăn quả, gồm: bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi Tháng Mười, cam đường Canh, phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn...

Vùng trồng bưởi tập trung tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Vùng trồng bưởi tập trung tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, vào vụ thu hoạch chính (cuối năm), sản lượng quả của thành phố đạt khoảng 200.000 tấn, trong đó, bưởi đạt 100.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng…

Còn tại Hòa Bình, địa phương hiện có 16.000ha cây ăn quả các loại, chủ lực là cây cam, bưởi, chanh khoảng 10.000ha, 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ, đến nay, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó có 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn, như: GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị và một số sản phẩm (chuối, cam, bưởi…) được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu…

Sản lượng lớn, chất lượng ổn định, song việc tiêu thụ các loại cây ăn quả của các tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn chủ yếu là thị trường trong nước. Mặt khác, đối với các địa phương phía Bắc, việc xuất khẩu quả tươi rất khó, vì chưa có cơ sở bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn đi khắp thị trường.

Đơn cử, Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải xử lý hơi nước nóng, nhưng ở miền Bắc chưa có, nên mỗi container xuất khẩu thường phải chịu giá cao hơn 30%, vì phải di chuyển vào miền Nam xử lý hơi nước. Do vậy, thị trường xuất khẩu các loại cây ăn quả của các tỉnh, thành phố phía Bắc thường phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của các tỉnh, thành phố phía Bắc còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết; hạn chế trong khâu bảo quản sau thu hoạch, khiến sản phẩm quả dễ hư hỏng. Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu ngày càng khắt khe.

Bảo quản bưởi vào vụ thu hoạch cuối năm tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Bảo quản bưởi vào vụ thu hoạch cuối năm tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ. Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau, quả/năm, nên tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, lên tới hơn 20%.

Trọng tâm là xúc tiến thương mại và xuất khẩu

Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, là đơn vị phân phối nông sản, nên hệ thống Siêu thị Co.opmart luôn chào đón các hợp tác xã, hộ sản xuất hợp tác để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hệ thống Siêu thị Co.opmart rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

“Tất cả các đơn vị cung cấp các loại quả cho siêu thị cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định để không phải thông qua các đơn vị trung gian. Khó khăn ở đâu, siêu thị sẽ đồng hành cùng các chủ thể tháo gỡ” - bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, để phát triển bền vững, Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Cùng với đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Cập nhật đầy đủ thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời, tập huấn cho hợp tác xã, nông dân; bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đáp ứng các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu.

Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ các loại quả vào vụ thu hoạch cuối năm, như: bưởi, cam, chuối, táo… cho nông dân; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu nhiều loại quả đặc trưng của Hà Nội.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cây ăn quả của vụ cuối năm, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Trần Anh Hùng cho rằng: đối với thị trường trong nước cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả. Về lâu dài, cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống; tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, châu Âu. Riêng với thị trường Trung Quốc cần đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch.

Để phát triển bền vững cây ăn quả, các địa phương cần rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp hành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả. Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, đầu tư khâu chế biến, chế biến sâu và lưu ý về bao bì, nhãn mác sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tieu-thu-trai-cay-van-gap-kho.html